Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT khẩn trương triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19, tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT khẩn trương triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc - xin Covid-19 |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện ngay việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thông tin giám sát hành trình của ô tô với hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Y tế khẩn trương rà soát, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cập nhật lộ trình di chuyển, chỉ đạo các địa phương khi phát hiện trường hợp F0 tham gia hoạt động vận tải phải thông báo ngay cho các địa phương liên quan theo lộ trình di chuyển để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không để tiếp xúc với người và phương tiện khác; các địa phương có các điểm dừng chân của lộ trình phải chủ động các phương án truy vết, phòng, chống dịch bảo đảm an toàn, không làm lây nhiễm ra cộng đồng.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với tỉnh Tiền Giang chiều 25/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo hoàn thiện và tích hợp các phần mềm theo dõi, truy vết đã công bố để hỗ trợ nhiệm vụ của Bộ Y tế và các địa phương; cung cấp dữ liệu kịp thời đến Bộ Y tế, Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương liên quan để theo dõi chặt chẽ lộ trình di chuyển của trường hợp F0, người đi cùng và phương tiện trong suốt quá trình di chuyển, kịp thời thông báo đến các địa phương liên quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa điểm tiêm, phối hợp với Bộ TT&TT khẩn trương triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19, tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người, có thể thành nơi lây nhiễm dịch.
Trước đó, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Quốc gia đã được thành lập, đặt tại Bộ TT&TT, có sự tham gia đồng chủ trì của Bộ Y tế.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh lây lan không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Nếu địa phương tự làm ứng dụng của mình thì chỉ có thông tin của riêng thành phố, sẽ không hiệu quả trong chống dịch. Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Quốc gia có nhiều nguồn dữ liệu lấy từ nhà mạng, các ứng dụng công nghệ, phản ánh của người dân,… trên toàn quốc nên sẽ hiệu quả hơn.
Bộ TT&TT cho rằng, để chống dịch hiệu quả, các địa phương nên chú trọng đặc biệt đến việc quản lý vào ra các trụ sở cơ quan, tổ chức, các địa điểm công cộng, kinh doanh, giải trí bằng QR code. Việc sử dụng công nghệ phòng chống dịch, ứng dụng khai báo y tế và truy vết tiếp xúc gần là hết sức quan trọng để có thể chống dịch hiệu quả. Hiện nay ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone đã có đầy đủ các tính năng: khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, phản ánh y tế, QR code cá nhân và quét QR code. Do đó chỉ cần đảm bảo tuân thủ việc kiểm soát vào ra bằng QR code thì sẽ tối đa hiệu quả truy vết bằng công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc sử dụng công nghệ, triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai tiêm chủng là hết sức quan trọng. Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã chỉ đạo Viettel triển khai nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử. Công việc này đã được triển khai ngày 19/6, cùng thời điểm khởi động chiến dịch tiêm chủng ở TP.HCM.
Bộ TT&TT từng đề nghị UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng tạo dựng dữ liệu tiêm vắc - xin ban đầu. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho người đến tiêm vắc xin. Nếu người đến tiêm vắc xin đã có ứng dụng, có dữ liệu, thì khi đến người dân chỉ cần quét QR code nhanh chóng và thuận tiện.
Trước vấn đề dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam phát triển giải pháp giám sát cách ly, sử dụng vòng đeo tay và điện thoại thông minh trong quá trình cách ly. Bộ TT&TT cho rằng, việc sử dụng công nghệ đơn lẻ không bao giờ là lời giải đầy đủ cho việc phòng chống Covid-19, nhưng sử dụng công nghệ kết hợp với quy định quản lý, biện pháp hành chính sẽ là giải pháp hiệu quả.
Thái Khang
Ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vắc xin Covid-19: Tiêm nhanh, giảm thủ tục
TP.HCM sẽ kết nối dữ liệu với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch quốc gia đặt tại Bộ TT&TT, nhanh chóng đưa công nghệ "giải quyết" các bài toán chống dịch.
0 comments:
Post a Comment