Xác thực chính xác danh tính bằng AI ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Tuesday, March 26, 2024

Xác thực chính xác danh tính bằng AI

Các giải pháp xác minh danh tính bằng điện tử eKYC ngày nay càng trở nên tiện lợi và an toàn hơn khi ứng dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain)... giúp tăng sức mạnh xử lý thông tin dữ liệu, đặc biệt là chống giả mạo, đánh cắp danh tính.

Ngăn chặn đánh cắp danh tính

Thời gian gần đây, khi cài đặt ứng dụng VNeID phục vụ cho việc định danh điện tử công dân, ứng dụng quét hình ảnh khuôn mặt thật cùng giấy tờ tùy thân. Quy trình xác thực "sâu" này nhằm bảo đảm chức năng của VNeID với giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ tùy thân truyền thống trong các giao dịch.

Khi vào một văn phòng, cơ sở nào đó, khách hay nhân viên chỉ cần đứng trước camera cho quy trình nhận diện khuôn mặt để xác thực từ cơ sở dữ liệu. Việc quản lý nhân sự bằng eKYC chặt chẽ và chính xác hơn là quét thẻ. Hình thức xác minh qua cuộc gọi video thật sự đã giúp các tổ chức tài chính ngăn chặn một số hình thức đánh cắp danh tính có khả năng vượt qua quy trình eKYC, như Deepfake và Spoofing. Hình thức này cũng giúp tiến hành xác thực từ xa, qua kết nối internet. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, việc xác minh qua cuộc gọi video vẫn chủ yếu dựa vào lao động thủ công, cần có nhân viên trực tiếp tham gia.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đầu tiên ứng dụng thành công xác thực eKYC trong giao dịch điện tử đem lại lợi ích và sự thuận tiện cho cả đôi bên, bảo đảm an toàn hơn trong nghiệp vụ và khách hàng được phục vụ nhanh chóng, tiện dụng. Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản đang hoạt động. Hiện nay, khách hàng có thể mở một tài khoản ngân hàng hoàn toàn online từ xa. Với hình thức video call eKYC, ngân hàng sẽ định danh xác thực thông tin cá nhân khách hàng 100% online thông qua cuộc gọi video. Ngay cả việc rút tiền, chuyển tiền online cũng được xác thực thông qua video call eKYC và sau khi xác minh giấy tờ tùy thân, kiểm tra tính chân thực của hình ảnh, nhân viên tiến hành hỗ trợ khách hàng hoàn thành các yêu cầu của mình.

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phát triển giải pháp định danh điện tử VNPT eKYC để ứng dụng trong chuyển đổi số nền kinh tế tại Việt Nam. Đối với khu vực công, eKYC có thể được ứng dụng để cải thiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng chất lượng phục vụ trong các hoạt động, dịch vụ công của chính quyền; cũng như trong các hoạt động y tế, bảo hiểm, giáo dục… Còn với các ngành kinh tế, chủ yếu tập trung vào nhóm ngành ngân hàng, fintech, bảo hiểm, du lịch, eKYC giúp xác thực khách hàng, tăng cường nhận diện, mở rộng các phạm vi phục vụ thông qua các giải pháp, phương tiện hỗ trợ như ứng dụng tài chính, ngân hàng trên internet, ứng dụng trên mobile, các kios tự phục vụ…

Hệ thống xác thực eKYC được cơ quan dùng để quản lý nhân sự ra vào văn phòng.Ảnh: Viettel AI

Hệ thống xác thực eKYC được cơ quan dùng để quản lý nhân sự ra vào văn phòng.Ảnh: Viettel AI

Việt Nam đã làm chủ công nghệ

Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc triển khai công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các hoạt động giao dịch, thủ tục hành chính bắt buộc phải tiến tới thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số online.

UBND TP HCM giữa tháng 3 đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình "Chuyển đổi số của TP HCM" và đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh" năm 2024, trong đó có mục tiêu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Việt Nam có những thế mạnh về khai thác AI nên hiện hầu như các giải pháp eKYC, đặc biệt là từ các công ty công nghệ lớn, đều được ứng dụng AI. FPT AI eKYC của FPT với thời gian định danh chỉ mất vài giây giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tối đa hóa nguồn lực và giảm thiểu sai sót, đáp ứng các yêu cầu cao về nghiệp vụ và bảo mật.

Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, các tổ chức không cần sử dụng nhân viên trong một số tác vụ. Chẳng hạn, mô hình ngân hàng tự động ACB lite của Ngân hàng ACB phục vụ xuyên suốt 24/7, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch như gửi, rút tiền, mở tài khoản thanh toán, phát hành nhanh thẻ Visa Debit bất cứ lúc nào hoàn toàn số hóa. Trên cơ sở hợp tác với TrueID, một giải pháp eKYC "Make-in-Vietnam" có Công ty VNG xây dựng, Ngân hàng ACB đã ứng dụng tính năng eKYC Video Call Face Identity cho phép khách hàng có thể gia tăng hạn mức giao dịch lên 500 triệu đồng mỗi lần sau khi thực hiện xác thực danh tính qua cuộc gọi video. Trong khi đó, với eKYC dựa trên giấy tờ tùy thân, khách hàng chỉ có thể mở thẻ với hạn mức giao dịch tối đa là 100 triệu đồng/ngày.

Việc ứng dụng eKYC thế hệ mới có nhiều thuận lợi do hành lang pháp lý đã có, công nghệ đã được làm chủ bởi chính những người Việt Nam với hàng loạt ứng dụng eKYC của các tập đoàn, công ty lớn như VNPT, Viettel, FPT, CMC, VNG… 

CSDL quốc gia về dân cư là nền tảng

Đặc biệt, kể từ tháng 2-2021, Việt Nam đã vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL)quốc gia về dân cư và từ ngày 19-12-2022, các thông tin được chia sẻ cho hệ thống CSDL quốc gia về dân cư trong nhiều lĩnh vực. Cùng với đó là việc tiến hành định danh điện tử công dân mà đến giữa năm 2023 đã cấp được tài khoản định danh cho hơn 44 triệu công dân trên cả nước. Đây chính là nền tảng mà khi được kết nối, các giải pháp eKYC nhằm tăng thêm sự an toàn và chính xác.

0 comments:

Post a Comment