Vật liệu mới được nhóm nghiên cứu lấy cảm hứng từ chuồn chuồn và ve sầu bởi trên cánh những động vật này có gai nano có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và nấm.
Nếu nhìn bằng mắt thường, bề mặt vật liệu giống như một mảnh gương phẳng màu đen song thực chất, các nhà nghiên cứu đã thiết kế các gai nano có tác dụng tiêu diệt virus trên đó. Dùng các dòng ion để cắt các phần của một tấm silicon mỏng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bề mặt có các gai cao chỉ 290 nanomet và các đỉnh gai dày chỉ 2 nanomet, mỏng hơn tóc người khoảng 30.000 lần.
Nhóm nghiên cứu khẳng định các gai siêu nhỏ có thể tiêu diệt virus lên đến 96%, đủ bảo vệ hầu hết những người khỏe mạnh khỏi nhiều mầm bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc bề mặt. Vật liệu này có thể được sử dụng trong bệnh viện, phòng thí nghiệm khoa học và những nơi cần vô trùng.
Các nhà khoa học thử nghiệm với 4 loại virus cúm (hPIV-3) khác nhau và là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi và viêm thanh khí phế quản. "Vật liệu này có thể được tích hợp vào các thiết bị và bề mặt thường gặp để ngăn virus lây lan cũng như giúp giảm việc sử dụng các chất khử trùng. Sau 6 giờ, hầu như không còn hoạt động nào của virus trên bề mặt vật liệu mới" - bà Natalie Borg, nhà sinh học phân tử của RMIT, thông tin.
Nếu vật liệu này được sản xuất rộng rãi và ứng dụng trong môi trường chăm sóc sức khỏe, nó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn do hPIV là thủ phạm gây 1/3 ca bệnh hô hấp cấp tính, đặc biệt ở trẻ em. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm các cấu hình khác của vật liệu và trên những loại virus khác.
0 comments:
Post a Comment