Xu thế mới từ tranh thực tế ảo ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Saturday, March 9, 2024

Xu thế mới từ tranh thực tế ảo

Chị Đặng Thị Minh Hằng (ngụ TP HCM) là một trong những người tiên phong mang công nghệ vẽ tranh thực tế ảo vào thị trường Việt Nam. Sau 2 năm bắt đầu vẽ loại tranh này, đến nay, chị đã ra mắt hơn 15 tác phẩm ấn tượng.

Vẽ tranh thật trong không gian ảo

Là họa sĩ vẽ tranh digital art (kỹ thuật số) và vẽ truyện tranh trong thời gian không ngắn, chị Minh Hằng tìm đến công nghệ thực tế ảo để không bị chậm chân, lạc nhịp so với lực lượng lao động trẻ.

"Vẽ tranh thực tế ảo đang là xu hướng của nhiều họa sĩ trẻ, ưa thích sáng tạo gắn với công nghệ. Loại hình này ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều người tham gia nên toàn bộ tư liệu, phần mềm..., tôi đều phải tham khảo từ họa sĩ nước ngoài" - chị Minh Hằng cho biết.

Theo chị Minh Hằng, họa sĩ vẽ tranh thực tế ảo không cần màu, cọ hay giấy vẽ mà chỉ cần đeo kính thực tế ảo là có thể bắt đầu sáng tác nghệ thuật. Tùy nhu cầu sử dụng, người dùng có thể lựa chọn phần mềm VR với những chức năng phù hợp.

"Đây là môi trường giả lập được tạo ra bởi con người nhờ vào phần mềm chuyên dụng, được điều khiển bởi các thiết bị thực tế ảo. Người dùng có thể cảm nhận, di chuyển, tương tác và khám phá trong môi trường ảo thông qua các thiết bị như kính thực tế ảo hoặc chỉ cần thao tác trực tiếp bằng tay" - chị giải thích.

Khác với tranh 2D - chỉ dùng để trưng bày triển lãm hay trang trí, tranh thực tế ảo có thể ứng dụng phong phú hơn, như làm backdrop (phông nền), TVC quảng cáo, intro cho sự kiện...

Bên cạnh tranh thực tế ảo, chị Minh Hằng còn sáng tác tranh bằng công nghệ thực tế hỗn hợp (MR) - một loại công nghệ phối trộn thế giới thật và ảo, tạo ra hiệu quả trải nghiệm cao hơn cho người xem. Với tranh MR, người xem không cần đeo kính thực tế ảo cũng có thể hình dung được họa sĩ vẽ gì thông qua nhiều ứng dụng, thiết bị để quay nét vẽ, thao tác của họa sĩ...

Họa sĩ vẽ tranh thực tế ảo Minh Hằng cho hay công nghệ này chưa "trưởng thành" nên sẽ có rủi ro khi ứng dụng. Chỉ khi sử dụng thực tế và khai thác các chức năng mới biết phần mềm cần khắc phục hạn chế gì. Do đó, chị thường phải trao đổi với đội ngũ kỹ thuật ở nước ngoài để hoàn thiện công nghệ vẽ tranh thực tế ảo.

Nữ họa sĩ Minh Hằng sáng tạo tranh với công nghệ thực tế ảoẢnh: HUẾ XUÂN

Nữ họa sĩ Minh Hằng sáng tạo tranh với công nghệ thực tế ảoẢnh: HUẾ XUÂN

Tham gia nâng cấp phần mềm

Không chỉ là một trong những người tiên phong mang cách vẽ tranh VR vào thị trường Việt Nam, chị Minh Hằng còn là người khai sinh dự án Endangered - ứng dụng nghệ thuật VR vào việc bảo tồn động vật hoang dã. Nữ họa sĩ này nhận ra với khả năng vô hạn trong kỹ thuật sáng tạo, con người có thể ứng dụng công nghệ để giảm thiểu việc xâm hại đến môi trường tự nhiên.

Bằng tài năng nghệ thuật của mình, các tác phẩm của chị Minh Hằng là những câu chuyện kết nối giữa con người với thiên nhiên và mọi vật trong cuộc sống, như: "Vườn Valentine", "Nàng xuân", "Thành phố Lego"...

Với đa số người thưởng thức tranh thực tế ảo, cảm nhận của họ khá thú vị. Lần đầu trải nghiệm với tranh thực tế ảo, anh Trần Công Khanh (quận 8, TP HCM) thích thú so sánh: "So với việc xem phim 3D, xem tranh thực tế ảo đem đến cảm giác chân thực, lôi cuốn gấp nhiều lần. Người xem được bước đi, len lỏi vào mọi ngóc ngách của bức tranh".

Bắt đầu tìm hiểu cách vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo để ứng dụng trong công việc, chị Hà Huỳnh Mai (huyện Hóc Môn, TP HCM) nhận xét các bức tranh có chiều sâu và rất sinh động...

Tranh thực tế ảo đã bắt đầu được chú ý trên thị trường và thu hút sự quan tâm của công chúng. Với diện tích lên đến 3.800 m2, không gian triển lãm tranh Van Gogh tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM) được kết hợp từ những ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới. Kết hợp với không gian trang trí, nơi đây tái hiện những điểm "sống" mang đậm giá trị văn hóa - nghệ thuật từ cuộc đời bình dị của danh họa Vincent van Gogh.

Loại hình tranh này còn có nhiều ưu điểm vượt trội khi có thể được lưu trữ và kết nối trên internet, nhờ đó tiết kiệm được chi phí lẫn thời gian cho mục đích thưởng thức nghệ thuật.

"Thay vì dành cả ngày lái xe quanh thành phố để tham quan một số phòng tranh khác nhau, thậm chí phải di chuyển đến thành phố, quốc gia khác, với showroom thực tế ảo, việc xem tác phẩm nghệ thuật qua thiết bị cầm tay, điện thoại, ngay trên chính sofa tại nhà sẽ là trải nghiệm thú vị" - một họa sĩ vẽ tranh thực tế ảo nhận xét. 

Không dễ vẽ

Chị Minh Hằng cho biết tùy theo quy mô và yêu cầu đặt ra mà thời gian hoàn thành các tác phẩm tranh vẽ bằng công nghệ thực tế ảo khác nhau. Với tranh chân dung, chị thường vẽ trong một ngày, với các tranh phong cảnh thì mất thời gian từ 1 - 2 tuần.

Theo chị Minh Hằng, màu sắc khó vẽ nhất trong tranh thực tế ảo là màu trắng. Các thuật toán cho ra những mảng sáng/bóng đổ theo công thức thường đơn điệu nên dễ gây nhàm chán, lại hay bị ám màu khiến các vật thể màu trắng bị đục. Để giữ được độ trong veo của những mảng trắng, chị phối thêm bằng một loại cọ đặc biệt không chịu ảnh hưởng bởi ánh sáng, sau đó điều chỉnh chế độ sương mù để có chiều sâu.

Mặc dù vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo không bị giới hạn thời gian, địa điểm, bức tranh có thể kéo dài vô tận nhưng vẫn còn một số hạn chế, như: trục trặc kỹ thuật, thiết bị mất kết nối khiến tranh bỗng dưng biến mất hay bị xung đột phần mềm mỗi khi cập nhật...

Ứng dụng thực tế ảo vào nhiều lĩnh vực

Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo thường được ứng dụng để tạo môi trường giả lập hoặc nhân tạo, phục vụ lĩnh vực giảng dạy, y tế, văn hóa, du lịch, nghiên cứu khoa học, vũ trụ và không gian.

Công nghệ thực tế ảo có thể giúp con người nghiên cứu trong môi trường ảo mà không cần đến phòng thí nghiệm thực tế, giảm chi phí và thời gian ở mức đáng kể. Trong lĩnh vực y học, việc sử dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường cho phép mô phỏng các ca phẫu thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo bác sĩ mà không gặp rủi ro với bệnh nhân.

0 comments:

Post a Comment