Với công trình nghiên cứu Ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa, PGS-TS-BS Đào Việt Hằng là 1 trong 10 chủ nhân Quả cầu vàng 2021 - giải thưởng do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ.
"Chạy" được với bất kỳ máy móc nào
Nhắc đến công trình Ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa đầu tiên tại Việt Nam mà mình cùng cộng sự đã dày công nghiên cứu, BS Đào Việt Hằng cho biết tại Việt Nam, bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân đến khám. Song, số lượng bác sĩ nội soi chỉ đáp ứng 5%-10% dân số. Có nơi mỗi ngày thực hiện hơn 400 ca nội soi nên thách thức đặt ra là nguy cơ bỏ sót tổn thương, chất lượng không bảo đảm, gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
PGS-TS Đào Việt Hằng hướng dẫn nhiều học viên tốt nghiệp thạc sĩ - bác sĩ nội trú
Trên thế giới, một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bỏ sót tổn thương ung thư đường tiêu hóa không hề thấp. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu ở phía Nam, khoảng 60% bệnh nhân ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối từng được nội soi và cho kết quả hoàn toàn bình thường trước đó chỉ 2 năm.
BS Đào Việt Hằng nhận xét: "Bệnh nhân quá nhiều trong khi máy móc không bảo đảm dẫn tới bỏ sót tổn thương. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có thêm công cụ hỗ trợ để giúp bác sĩ giảm thiểu việc bỏ sót tổn thương ở bệnh nhân qua nội soi, rút ngắn thời gian đưa ra kết quả chẩn đoán với sự hỗ trợ của công nghệ".
Từ ý tưởng này, BS Đào Việt Hằng và cộng sự đã tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu các tổn thương trong dạ dày với AI. Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của một số bệnh lý như: loét dạ dày, ung thư, tiền ung thư... Từ dữ liệu thô, nhóm xây dựng thuật toán, rồi so sánh kết quả phát hiện vùng tổn thương giữa kỹ thuật AI với chuyên gia. AI được ứng dụng để hỗ trợ hội chẩn, tự động đưa ra báo cáo và chẩn đoán thích hợp từ dữ liệu lâm sàng, tự động phát hiện tổn thương bất thường.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu về ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa và gan mật đã được công bố. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực này ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do máy móc nội soi ở nước ta mỗi nơi một loại, trong khi độ phân giải và chất lượng lại khác nhau.
"Để thuật toán AI có thể tích hợp được vào các hệ thống nội soi khác nhau, cần phải có những đặc thù. Xu hướng bệnh tật của người Việt cũng có nhiều khác biệt so với các nước phát triển. Do đó, chúng tôi muốn xây dựng một ứng dụng AI "của người Việt" nhằm có thể "chạy" được ở bất kỳ máy móc nào, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các cơ sở y tế; chú trọng tập hợp dữ liệu, phân tích các bệnh đặc trưng của người Việt" - BS Đào Việt Hằng nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, được thu thập từ rất nhiều trang thiết bị khác nhau ở cơ sở nội soi của các bệnh viện hàng đầu. Kỳ vọng của nhóm là AI sẽ giúp bác sĩ ngay trong quá trình nội soi, hạn chế nguy cơ bỏ sót tổn thương đường tiêu hóa. Những dữ liệu với hình ảnh, video này cũng có thể là "giáo trình" cho bác sĩ vùng sâu vùng xa, giúp họ nâng cao tay nghề.
BS Đào Việt Hằng cho biết nhóm nghiên cứu chia dữ liệu làm hai phần. Với đường tiêu hóa trên, các dữ liệu phục vụ việc phát hiện tổn thương ở thực quản, dạ dày, hành tá tràng. Với đường tiêu hóa dưới, các dữ liệu giúp phát hiện polyp đại tràng cũng như tiên lượng lành tính hay ác tính. Nhóm đã hoàn thiện dữ liệu ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa dưới và đã được Hội đồng Đạo đức thông qua. Ứng dụng AI trong việc phát hiện tổn thương ở đường tiêu hóa trên dự kiến hoàn thành trước quý III/2023 và triển khai ở các cơ sở y tế trong quý IV.
Chỉ riêng về kết quả sử dụng AI trong nội soi đại tràng, BS Đào Việt Hằng khẳng định khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%. "Dự kiến quý I/2023, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai thí điểm ứng dụng AI trong nội soi đại tràng tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu - Đào tạo tiêu hóa, gan mật và Bệnh viện Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương" - BS Đào Việt Hằng tiết lộ.
Thực hiện tâm nguyện của ông ngoại
BS Đào Việt Hằng sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ đều làm việc trong lĩnh vực y khoa. Chị trở thành tiến sĩ khi mới 29 tuổi và là PGS trẻ nhất ngành y ở tuổi 34. Với rất nhiều thành tựu đã đạt được, chị được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Ít ai biết lúc nhỏ, Đào Việt Hằng chỉ ước mơ du học về truyền thông hoặc một chuyên ngành phù hợp với tính cách hướng ngoại của mình. Tuy nhiên, khi Hằng lên lớp 11, ông ngoại chị qua đời để lại tâm nguyện: "Ông mong có một cháu gái trong gia đình làm bác sĩ". Thế là Hằng quyết định chuyển sang học khối B để thi vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Thi đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2005, Hằng rất vui mừng nhưng cũng gặp nhiều áp lực trong năm học đầu tiên. Là "dân chuyên" ngoại ngữ, chị vốn năng động, thích các hoạt động xã hội, giao lưu. Vì vậy, nhiều lúc chị băn khoăn không biết mình có vượt qua được khóa học ở trường y hay không.
"Học xong 2 năm đầu, tôi từng có ý định bảo lưu kết quả để thực hiện ước mơ du học. Tuy nhiên, khi được tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với bệnh nhân, gắn bó với công việc lâm sàng, tôi dần thay đổi suy nghĩ và bắt đầu hứng thú với các môn học hơn. Tôi tìm thấy niềm vui, say mê với công việc, hạnh phúc khi chứng kiến bệnh nhân được xuất viện trở về khỏe mạnh" - chị thổ lộ.
Kết thúc 6 năm đại học, Hằng nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và là một trong 5 sinh viên xuất sắc nhất khóa. Sau khi tốt nghiệp, chị được nhận về Bộ môn Nội tổng hợp - Trường ĐH Y Hà Nội làm giảng viên.
BS Đào Việt Hằng từng được lựa chọn tham gia các khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo tại Diễn đàn Y tế thế giới năm 2016 ở Đức, nghiên cứu viên trẻ của khu vực ASEAN 2019, APEC 2021 và Diễn đàn Các nhà lãnh đạo trẻ Việt - Úc 2021. Chị cũng từng được tôn vinh là "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" năm 2020, được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn...
0 comments:
Post a Comment