Nhiều địa phương tại ĐBSCL đã áp dụng mô hình "Chợ công nghệ - chợ 4.0" với phương thức thanh toán khi đi chợ không dùng tiền mặt. Mô hình này bước đầu tạo thuận lợi cho tiểu thương, khách hàng khi mua bán. Tuy nhiên, chợ 4.0 cũng còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để người dân tin dùng nhiều hơn.
Không lo bị móc túi hay làm rớt tiền
Tháng 9 vừa qua, Sở Công Thương TP Cần Thơ và VNPT Cần Thơ phối hợp ra mắt mô hình "Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt" tại chợ An Thới, quận Bình Thủy.
Ông Trương Trung Bình, Trưởng Ban Quản lý chợ An Thới (thuộc Công ty CP Đầu tư chợ Cửu Long), cho biết chợ có khoảng 150 tiểu thương, đến nay khoảng 30% tiểu thương đã đăng ký sử dụng dịch vụ. "Trước đó, Viettel Cần Thơ cũng đã triển khai mô hình không dùng tiền mặt tại chợ. Với mô hình này, tiểu thương tại chợ và khách hàng đi chợ sẽ sử dụng dịch vụ ví Money do VNPT Cần Thơ hoặc Viettel Cần Thơ cung cấp để thanh toán các giao dịch hàng hóa thay cho tiền mặt. Khi đăng ký dịch vụ, người đi chợ và tiểu thương sẽ được cấp mã QR. Lúc mua hàng, khách hàng dùng điện thoại quét vào mã QR của tiểu thương để trả tiền hàng hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của nhà cung cấp" - ông Bình cho biết.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ An Thới
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Giám đốc VNPT Cần Thơ, qua 1 tháng triển khai thí điểm tiểu thương, người đi chợ cài đặt ví VNPT Money, đã có gần 200 điểm chấp nhận thanh toán với hơn 700 khách hàng sử dụng ví. VNPT Cần Thơ cũng đã phát triển 38 điểm nạp, rút tiền ví VNPT Money trên tất cả quận, huyện của thành phố.
Theo Trưởng Ban Quản lý chợ An Thới, nhiều tiểu thương kinh doanh về bách hóa rất thích mô hình này vì sự tiện dụng. Có lúc đơn hàng chỉ mười mấy ngàn đồng nhưng khách hàng đưa tờ 500.000 đồng, tiểu thương đi đổi tiền để thối lại. Với ví Money của VNPT Cần Thơ thì chỉ cần 1 thao tác trên điện thoại là chuyển chính xác số tiền.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, tiểu thương bán trái cây tại chợ An Thới, bày tỏ: "Khi không có tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng để thối lại thì mình phải tính chẵn đơn hàng. Bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh nên cài mã QR của nhà mạng để thanh toán chính xác từng con số lẻ. Ngoài ra, mô hình này còn hạn chế tiếp xúc giao dịch thanh toán tiền mặt trực tiếp, rất an toàn, tiện lợi cho cả khách hàng và người bán".
Chị Huỳnh Thị Thu Vân (ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy), hào hứng: "Nhiều lúc đi chợ tôi quên mang ví nên chỉ cần dùng điện thoại có cài ví VNPT Money quét mã thanh toán ngay tại chỗ bán. Hơn nữa, không mang tiền mặt đi chợ không lo bị móc túi hay làm rớt tiền".
Trước đó, vào tháng 3, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long và Viettel Vĩnh Long đã phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Long. Mô hình này giúp tiểu thương ở các chợ tiếp cận công nghệ thanh toán hiện đại với những lợi ích như: giảm rủi ro tiền rách, tiết kiệm công sức quản lý và đếm tiền lẻ... Đến nay, có hơn 300 tiểu thương ở chợ Vĩnh Long đã thực hiện cài đặt và từng bước sử dụng ứng dụng. Chợ Vị Thanh (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cũng đã áp dụng mô hình thí điểm "Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt" trong tháng 7.
Cần đa dạng nhà cung cấp dịch vụ
Theo ông Trương Trung Bình, mặc dù có nhiều tiện ích nhưng đối với người già, những người không rành công nghệ sẽ khó sử dụng dịch vụ ở chợ 4.0. Ông Phan Văn Út (60 tuổi), một người chạy xe ôm, cho biết hôm ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ An Thới ông có cài đặt VNPT Money nhưng đến nay vẫn không biết dùng. "Tôi quen với cách mua hàng trả tiền mặt. Tôi dùng điện thoại bấm gọi còn khó nói gì quét mã" - ông Út nói.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hùng, chủ tạp hóa Thu Hùng tại chợ An Thới, nói bà có cài đặt 2 ứng dụng của VNPT Cần Thơ và Viettel Cần Thơ để khách hàng quét mã QR hoặc chuyển tiền nhưng đành đem cất vì người dân không có thói quen này, họ chỉ dùng tiền mặt. Bà Thu Hùng giải thích: "Nếu dùng ứng dụng của VNPT hoặc Viettel thì phải sử dụng sim số của 2 nhà mạng này mới thực hiện quét mã hoặc chuyển tiền. Tôi bán tạp hóa nên không thể dùng 3-4 số điện thoại của nhiều nhà mạng được".
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, để người dân quen dần với việc sử dụng mô hình chợ 4.0, sở đã đề nghị VNPT Cần Thơ hướng dẫn cụ thể. Tại chợ An Thới, VNPT Cần Thơ cũng đã dán hướng dẫn cách sử dụng và quét mã QR, bố trí nhân viên tại chỗ chỉ thao tác trên điện thoại cho người dùng. "Để mô hình này vận hành trơn tru thì đơn vị cung cấp cần bảo đảm yếu tố kỹ thuật đơn giản, bảo mật và đa dạng nhà cung cấp dịch vụ. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp VNPT Cần Thơ cũng như các nhà mạng có dịch vụ này để triển khai rộng rãi hình thức chợ số trên địa bàn" - ông Hà Vũ Sơn thông tin.
60% cơ sở y tế thanh toán trực tuyến
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có trên 60% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến. Cụ thể, trong năm 2022, sẽ triển khai thí điểm tại các bệnh viện, như: Đa khoa Cà Mau; Sản - Nhi Cà Mau; Mắt - Da liễu... Đầu năm 2023, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp mở rộng. Sau đó, triển khai thực hiện các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến năm 2024, triển khai thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, TP Cà Mau. Năm 2025, triển khai mở rộng cho các cơ sở y tế còn lại trên địa bàn.
0 comments:
Post a Comment