Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm công nghệ cao ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Sunday, June 27, 2021

Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm công nghệ cao

Việc tấn công website hay một hệ thống nào đó nhiều người coi là một trò đùa nhưng đến khi vào vòng lao lý mới nhận ra mức độ nghiêm trọng thì đã quá muộn. 

Theo dự án Hồ sơ Tin tặc của Viện nghiên cứu Công lý và Tội phạm liên khu vực (UNICRI - Liên hợp quốc), có tới 61% các tin tặc thực hiện vụ hack đầu tiên trước năm 16 tuổi.

Thống kê hồi năm 2015 của Cơ quan quản lý Tội phạm mạng Quốc gia (Nation Cyber Crime Unit) Vương quốc Anh cũng cho thấy, 17 là độ tuổi trung bình của giới tội phạm mạng trong các cuộc điều tra.

Dù là loại hình tội phạm công nghệ cao, có một thực tế là rào cản kỹ năng của giới tội phạm mạng ngày càng thấp. 

Ngày nay, tồn tại rất nhiều công cụ có sẵn để thực hiện những vụ tấn công mạng. Phần nhiều trong số đó miễn phí hoặc phải trả với mức phí rất thấp, trong khi các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật để sử dụng chúng lại đơn giản hơn trước nhiều. 

Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm
Tình trạng tội phạm mạng đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Không chỉ trở nên phổ biến hơn, các công cụ hack đơn giản có thể tìm thấy dễ dàng trên môi trường mạng. Thậm chí, còn có cả những video hướng dẫn chi tiết các sản phẩm này.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc tội phạm mạng đang dần phổ biến, thậm chí còn có tình trạng trẻ hóa so với các loại hình tội phạm truyền thống. 

Khác với thế giới thực, môi trường mạng đem đến cho người dùng cảm giác được ẩn danh. Không ít chính phủ còn cảm thấy lúng túng trong việc ra các chế tài quản lý trên môi trường ảo. 

Điều này đã dẫn đến sự gia tăng ngày càng nhiều hơn của các hành vi tấn công mạng ở mức độ thấp. Cũng vì có thể ẩn danh, ít bị sờ gáy khi thực hiện các cuộc tấn công giản đơn, nhiều người đã có cảm giác mơ hồ giữa đúng, sai và dần lấn sâu vào thế giới của tội phạm mạng. 

Con đường biến các cậu bé trở thành một hacker

Theo Virarium - một chiến dịch điều tra các khách hàng của Lizardstresser - trang web chuyên cung cấp dịch vụ DDoS, độ tuổi trung bình của những người ghé thăm trang web này là 19 tuổi. 

Kết quả phân tích hành vi những người sử dụng dịch vụ DDoS của Lizardstresser cho thấy, 60% trong số họ tiếp xúc với lĩnh vực này bắt nguồn từ việc chơi game trên máy tính. Đáng chú ý khi tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cũng chính là hình thức mà các tin tặc sử dụng để làm gián đoạn dịch vụ của báo điện tử VOV những ngày gần đây. 

Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm
Một vụ tấn công thay đổi giao diện của hacker quốc tế nhằm vào các website Việt Nam. 

Khảo sát của tổ chức chứng nhận an toàn thông tin quốc tế CREST cho thấy, từ ham mê game, nhiều người trở nên thích thú với việc viết mã để tạo “bản mod” của các trò chơi trên máy tính. Dần dà, họ có nhu cầu tham gia vào các diễn đàn hacker online để tìm hiểu những kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này. 

Có một điều đáng quan ngại khi theo nghiên cứu của Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA), các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường lùng sục trên các diễn đàn nhằm tìm kiếm những hacker trẻ tuổi tài năng. Đây chính là yếu tố tác động khiến nhiều người trẻ tham gia vào các hoạt động tội phạm mạng. 

Trở thành hacker để khẳng định mình

Có rất nhiều lý do khiến những người trẻ lựa chọn việc trở thành một hacker. Theo khảo sát của CREST, nhiều người trẻ cho biết việc tham gia các hoạt động bất hợp pháp trên môi trường mạng là cách mà họ phản ứng lại với những sức ép của cuộc sống thật.

Có nhiều hacker từng là nạn nhân của những trò bắt nạt ngoài đời thực. Việc thể hiện kỹ năng hack trên môi trường mạng là cách khiến họ cảm thấy mình quyền lực hơn ở một khía cạnh nào đó. 

Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm
Một số đối tượng sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạn tài sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bị cơ quan công an bắt giữ hồi giữa năm 2019.

Còn 1 lý do thôi thúc nhiều người trẻ lựa chọn trở thành hacker. Đó là việc tấn công mạng giống như một cột mốc khẳng định tư cách thành viên đối với diễn đàn mà họ đã gia nhập. 

Trong thế giới của các hacker, nguồn thu tài chính thường chỉ là động lực phụ khiến họ tham gia lĩnh vực này. Những hacker kiếm được nhiều tiền nhất không hẳn là những người được ngưỡng mộ nhất. 

Nhìn chung, nhiều người trẻ đã trở thành hacker chỉ bởi mong muốn khẳng định bản thân. Họ bị thúc đẩy việc chinh phục một hệ thống CNTT nào đó nhằm nâng cao kỹ năng của chính họ. 

Dần dà, họ trở nên nghiện điều đó bởi những danh tiếng đem lại từ công việc này. Đó cũng là lúc mà các hacker ngày một dấn sâu và rất khó rút ra khỏi việc trở thành một tội phạm mạng.

Vì sao không trở thành một chuyên gia an ninh mạng

Phần lớn thanh niên và cha mẹ họ không nhận thức được điều gì cấu thành nên tội phạm mạng và hậu quả của việc tham gia vào mạng lưới tội phạm mạng. Tuy nhiên, phải khẳng định một đường chắc chắn rằng, tội phạm mạng là một loại hình tội phạm có thể bị xử lý hình sự tương tự như khủng bố, trộm cắp. 

Do vậy, trước khi lựa chọn trở thành một hacker, các bạn trẻ hãy nghĩ về những hậu quả của nó và tự trả lời câu hỏi “Vì sao mình lại đi theo con đường này?”.

Không ít chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin từng thú nhận rằng, ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời, đã có một tác động nào đó khiến họ chuyển từ lằn ranh của một hacker sang việc trở thành một chuyên gia an ninh mạng. Sự tác động này khiến họ hiểu ra rằng, hacker không phải cách duy nhất để khẳng định mình trên môi trường số.

Tấn công mạng, từ trò đùa trở thành tội phạm
Thay vì thể hiện mình tại các diễn đàn hacker, những bạn trẻ yêu thích CNTT có thể thử sức tại các cuộc thi bảo mật và an ninh mạng. 

Có một thực tế là với sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet và CNTT, phần lớn các bậc phụ huynh thường không thể biết rằng con cái họ đang thực sự làm gì trên môi trường mạng.

Chính vì vậy, nếu thiếu một môi trường giáo dục đúng đắn, những đứa trẻ ưa tìm hiểu CNTT có thể dễ sa đà vào những cuộc tấn công online hoặc bị dẫn dụ trở thành tội phạm mạng mà cha mẹ chúng không hề hay biết. 

Với những tài năng đó, chúng cần tới một môi trường giáo dục tốt và những người mang tới ảnh hưởng tích cực, dìu dắt để chúng hiểu hơn về những lựa chọn của mình.

Đây cũng là lý do mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc tổ chức các cuộc thi hackathon đã dần trở thành một hoạt động thường niên. 

Những giải đấu như vậy là dịp để các bạn trẻ cọ xát, thể hiện bản thân. Xa hơn, nó sẽ đặt nền móng hướng các bạn trẻ đi theo con đường trở thành hacker mũ trắng thay vì một tên tội phạm mạng. 

Trọng Đạt

 Bài 2: Hacker chết vì thiếu hiểu biết

Bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong quá trình chuyển đổi số

Bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong quá trình chuyển đổi số

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên.

Cường quốc an ninh mạng và niềm tin số Việt Nam

Cường quốc an ninh mạng và niềm tin số Việt Nam

Bằng việc phát triển các sản phẩm an toàn, an ninh mạng Make in Vietnam dựa trên các nền tảng mở, các doanh nghiệp sẽ dần khẳng định được niềm tin số Việt Nam.   

Hacker khai thác lỗ hổng tấn công hệ thống CNTT trọng yếu tại Việt Nam

Hacker khai thác lỗ hổng tấn công hệ thống CNTT trọng yếu tại Việt Nam

Trong gần 1 triệu vụ tấn công mạng vào các hệ thống CNTT trọng yếu được Trung tâm An toàn thông tin mạng của Ban Cơ yếu Chính phủ ghi nhận, cảnh báo và xử lý hằng năm, tấn công bằng phương thức khai thác lỗ hổng chiếm hơn 87%.

0 comments:

Post a Comment