Internet thay đổi cách chúng ta giao tiếp. Nó mang lại giá trị tích cực song cũng cho phép nội dung thù ghét lan nhanh như dịch bệnh mà không bị kiểm soát.
Mọi người cầu nguyện cho gia đình 4 người bị sát hại trong một cuộc tấn công dường như xuất phát từ thù ghét trên mạng tại Canada hôm 8/6. (Ảnh: Reuters) |
Hôm 9/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng thù ghét trên mạng có thể là động cơ khiến một gia đình người Hồi giáo bị sát hại vài ngày trước đó. Chỉ có duy nhất cậu con trai út 9 tuổi sống sót. Sau vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand năm 2019, ông Trudeau đã ký vào Lời kêu gọi hành động Christchurch, cam kết “loại bỏ nội dung khủng bố và bạo lực cực đoan trên mạng”. Ông Trudeau hứa "nhằm vào phát ngôn thù địch, bóc lột và quấy rối trực tuyến, đồng thời hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ các nạn nhân". Tuy nhiên, chính quyền liên bang chưa đưa ra được quy định nào kể từ đó.
Năm 2017, cũng tại Canada, Alexandre Bissonnette đã bắn chết 6 người đàn ông tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Quebec. Một cuộc điều tra cho thấy tay súng đã bị tiêm nhiễm các nội dung từ truyền thông cực hữu.
Nhiều ví dụ chỉ ra sự thù ghét trên mạng đã chuyển hóa thành bạo lực ngoài đời thực. Nhẹ là bị thương, nặng là bỏ mạng. Theo Washingtonpost, nhiều nhóm da trắng thượng đẳng lợi dụng mạng xã hội làm công cụ truyền bá các thông điệp cực đoan, kích động sự thù ghét. Chẳng hạn, tại Mỹ, Wade Michael Page đã đăng lên các diễn đàn trực tuyến trước khi giết chét 6 người tại Đền thờ Sikh ở Wisconsin năm 2012. Dylann Roof “tự cực đoan hóa” trên mạng trước khi xuống tay với 9 người tại một nhà thờ ở Nam Carolina năm 2015. Robert Bowers, kẻ bị buộc tội giết 11 người già tại Giáo đường Do Thái ở Pennsylvania, cũng hoạt động trên mạng xã hội Gab được nhóm da trắng thượng đẳng ưa chuộng.
Văn hóa Internet thường xếp phát ngôn thù ghét là “troll” nhưng mức độ nghiêm trọng và ác ý của những bình luận này đã phát triển thành một thứ gì đó nham hiểm hơn nhiều trong những năm gần đây. Theo Whitney Phillips, trợ lý Giáo sư truyền thông tại Đại học Syracuse, mục tiêu của troll là người da màu, phụ nữ, người theo tôn giáo thiểu số. Lâu nay, những cuộc tấn công bằng lời nói vẫn diễn ra, miễn là mạng xã hội còn tồn tại.
Thế giới trực tuyến cho phép mọi người nhìn thấy người khác sử dụng những ngôn từ thù địch, xấu xí và cảm thấy nó như một điều bình thường. Chúng gây ảnh hưởng đến hành vi của người khác. Nếu bạn nhìn thấy một luồng những lời nói tục tĩu, điều đó khiến bạn cảm thấy chúng dễ chấp nhận hơn.
Không chỉ bị tấn công ngoài đời thực, vô số người còn là nạn nhân của bắt nạt mạng, trả thù tình… Khi Monica Lewinsky xuất hiện năm 2014 sau một thập kỷ im lặng, cô có một thông điệp cần chia sẻ. Lewinsky dính vào bê bối với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi cô làm thực tập sinh tại Nhà Trắng vào năm 1995, 1996. Tin tức về mối quan hệ này được loan tải từ tháng 1/1998. Nó biến cô thành tâm điểm của sự chú ý khắp toàn cầu, đánh mất danh tiếng cá nhân gần như ngay lập tức. Vụ việc diễn ra vào buổi bình minh của Internet nhưng tên của cô đã kịp xuất hiện trong 40 bài hát rap. Cô cũng nổi tiếng trên thế giới Internet thời kỳ “tiền mạng xã hội”. Trong những năm gần đây, với sự trỗi dậy của Facebook và Twitter cùng nguy cơ bị bắt nạt qua mạng đã tạo động lực cho Lewinsky lên tiếng. Cô cho rằng sự sỉ nhục của công chúng đã trở thành một món hàng hóa, còn sự hổ thẹn là một ngành công nghiệp.
Internet và mạng xã hội đã khuếch trương các phương tiện sỉ nhục con người nơi công cộng, quẳng nạn nhân từ một xó xỉnh nào đó ra mạng lưới màn hình toàn cầu. Internet cho phép hàng trăm ngàn con người tham gia vào một cuộc bắt nạt tập thể, theo cách chưa từng có, theo Takuya Sawaoka, một nhà tâm lý học xã hội, Giám đốc nền tảng giáo dục dựa trên tâm lý học OpenMind. Kết quả là một dòng chảy đều đặn những mục tiêu mới, những cái tên mới – bất kể là người nổi tiếng hay bình thường – tràn ngập trên truyền thông.
Năm 2013, Justine Sacco trở thành điển hình của bắt nạt qua Twitter. Chỉ vài phút trước khi máy bay hạ cánh xuống Nam Phi, Sacco đăng một tin lên Twitter và cuộc đời cô thay đổi vĩnh viễn: “Sắp đến châu Phi. Hi vọng tôi sẽ không bị bệnh AIDS. Đùa thôi, tôi là người da trắng mà”.
Ngay khi hạ cánh, hàng ngàn người đã trả lời dưới tin tweet này và chia sẻ nó. Hashtag #HasJustineLandedYet (Justine hạ cánh chưa nhỉ) gây sốt toàn thế giới nhưng phần lớn là ý kiến chỉ trích cô. Ngay lập tức, cô bị sa thải dù đang là Giám đốc truyền thông cấp cao, trở thành chủ đề của hàng loạt bài báo, cuốn sách. Chỉ một sai lầm nhỏ, danh tiếng của Justine đã bị hủy hoại. Câu hỏi đặt ra ở đây là: khi nào thì lời chỉ trích biến thành bắt nạt?
Vấn đề của mạng xã hội là nó được thiết kế để phát sóng nội dung thay vì trao đổi qua lại giữa mọi người. Twitter và Facebook là nơi ai cũng có quyền nói, nhưng không được lắng nghe.
Theo Unicef, bắt nạt qua mạng là việc bắt nạt nhờ vào công nghệ kỹ thuật số, diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game, điện thoại di động. Nó khiến nạn nhân lo sợ, tức giận, xấu hổ. Nó bao gồm đăng tin dối trá hay đăng các bức ảnh đáng xấu hổ của người khác trên mạng xã hội; gửi tin nhắn gây tổn thương hay đe dọa; giả danh ai đó và gửi tin nhắn ác ý cho mọi người.
Trung tâm Nghiên cứu bắt nạt mạng Mỹ cho biết đến năm 2021, đây vẫn là vấn đề với hầu hết mọi người. 36,5% mọi người cảm thấy họ từng bị bắt nạt qua mạng, 60% trẻ vị thành niên trải qua một số hình thức bắt nạt mạng, 70% trẻ vị thành niên bị ai đó đăng tin đồn lên mạng, 87% người trẻ chứng kiến bắt nạt mạng xảy ra trên Internet. Bắt nạt mạng còn gây tổn hại hơn bắt nạt truyền thống vì nó xảy ra vào bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Những con số này cho thấy bắt nạt mạng không phải vấn đề đơn lẻ, mà là vấn nạn của thời đại. Không chỉ có trẻ em mà người trưởng thành cũng là nạn nhân.
Ditch the Label, một trong các tổ chức chống bắt nạt hàng đầu thế giới, cho biết Instagram và Facebook là hai nền tảng mà mọi người bị bắt nạt mạng nhiều nhất. Đáng chú ý hơn, 69% người tham gia khảo sát nói họ từng mắng người khác qua mạng, 15% thừa nhận đã bắt nạt ai đó trực tuyến. Nguyên nhân chính khiến một người bị bắt nạt là ngoại hình (61%), bằng cấp (25%), sắc tộc (17%), xu hướng tình dục (15%), tài chính (15%), tín ngưỡng (11) và nguyên nhân khác (20%).
Cùng với bắt nạt trực tuyến là trả thù tình, một hình thức chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm, khiêu dâm của người yêu hay vợ/chồng cũ mà không có sự đồng ý. Đây là vấn đề phổ biến với tất cả mọi người, từ nhỏ tới lớn. Số ca trả thù tình được báo cáo tăng mạnh những năm gần đây cùng với sự phát triển của điện thoại di động, Internet. Mọi người dễ dàng gửi những hình ảnh riêng tư cho nhau qua mạng xã hội, tin nhắn hay dịch vụ nhắn tin tức thời khác. Khi chia tay, họ chọn cách công khai tất cả để níu kéo hoặc làm nhục đối phương. Khi gửi cho nhau những hình ảnh như vậy, họ phải có sự tin tưởng nhất định. Với trả thù tình, sự bất tín trở thành vết sẹo dài cứa vào lòng nạn nhân, chưa kể đến viễn cảnh mọi người khác trên Internet đều có thể nhìn thấy.
Dù Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác đều có chính sách chống lại những vấn đề nói trên, một số người dùng cho biết khiếu nại của họ thường không đi tới đâu. Ngay cả khi thủ phạm bị “cấm cửa” trên các nền tảng do vi phạm điều khoản, chúng vẫn có thể dễ dàng mở tài khoản mới. Công nghệ được phát triển để phát hiện nội dung thù địch hay hình ảnh khiêu dâm nhưng với các hội nhóm kín, rất khó để theo dõi điều gì đang diễn ra.
Theo Adam Neufeld, Phó Chủ tịch Chiến lược và đổi mới của tổ chức Anti-Defamtion League, các mạng xã hội đã quá chậm chạp trong việc nhận ra tầm ảnh hưởng của họ đến cực đoan hóa mọi người. Ngay cả khi họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể, đây là trận chiến không cân sức. Ông nói không nên tự lừa dối bản thân rằng sự thù ghét trên mạng sẽ chỉ nằm trên mạng. Dù chỉ một tỷ lệ nhỏ sự thù ghét trực tuyến chuyển hóa thành bạo lực ngoài đời thực, nó cũng vượt xa những gì chúng ta đã thấy.
Du Lam (Tổng hợp)
0 comments:
Post a Comment