Mỹ sẽ làm việc với các quốc gia đồng minh trong nhóm Đối thoại An ninh bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue) và Nhóm G7 để giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng đối với chất bán dẫn và các vật liệu chiến lược khác.
Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với chip bán dẫn và các sản phẩm quan trọng khác đã làm gia tăng các mối lo ngại, đặc biệt là khi các nước tăng cường sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước với sự hợp tác của các đối tác trong nhóm Đối thoại An ninh bốn bên như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, mặc dù vẫn chưa rõ liệu Washington có thể đảm bảo đủ tài chính cho các kế hoạch đầy tham vọng của mình hay không.
Tổng thống Joe Biden cầm một tấm silicon tại một cuộc họp trực tuyến ngày 12/4. Ảnh: AP |
Một quan chức cao cấp thuộc chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết: “Điều quan trọng là phải xây dựng lại năng lực sản xuất trong nước cho các sản phẩm chủ lực. Chúng tôi muốn thấy sự đa dạng các nhà cung cấp hơn”.
Báo cáo của Nhà Trắng công bố ngày 8/6 được ban hành theo lệnh hành pháp của Tổng thống Biden nhằm xem xét các chuỗi cung ứng bao gồm chất bán dẫn, pin dành cho xe điện, dược phẩm và khoáng sản đất hiếm.
Báo cáo cho biết: “Chúng ta phải xây dựng lại cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ của mình. Mỹ không thể giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng một mình mà cần có sự hợp tác của các quốc gia khác”.
Washington nên mở rộng “sự can dự ngoại giao đa phương đối với các lỗ hổng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là thông qua nhóm các đồng minh cùng chí hướng như Nhóm Quad và G7” và tổ chức một diễn đàn toàn cầu về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng với các bên liên quan của chính phủ và khu vực tư nhân từ các đồng minh của Mỹ.
Báo cáo khuyến khích Mỹ tiếp tục ngoại giao thương mại với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhất trí về sự hợp tác lớn hơn trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, tại cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc, Samsung Electronics đã cam kết sẽ đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới ở Mỹ.
Các công ty bán dẫn của Mỹ từ lâu đã gia công sản xuất cho các nhà cung cấp châu Á. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cho biết Mỹ chiếm 12% sản lượng chip bán dẫn toàn cầu vào năm 2020, xếp sau Đài Loan (22%), Hàn Quốc (21%) và Nhật Bản (15%). Trung Quốc hiện đang trợ cấp rất nhiều cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước để mở rộng phạm vi toàn cầu.
Các công ty Đài Loan sản xuất 92% chip bán dẫn tiên tiến. Để hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung ở nước ngoài, báo cáo kêu gọi Quốc hội cung cấp ít nhất 50 tỷ USD để hỗ trợ phát triển và sản xuất chất bán dẫn.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đang xây dựng một nhà máy mới ở Mỹ và Biden muốn cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích nhiều nhà sản xuất chip bán dẫn xây dựng nhà máy ở Mỹ.
Báo cáo cũng kêu gọi thúc đẩy ngành công nghiệp pin dùng cho xe điện (EV) bằng cách khai thác 17 tỷ USD trong Chương trình cho vay sản xuất phương tiện bằng công nghệ tiên tiến của Bộ Năng lượng Mỹ.
Tháng trước, nhà sản xuất ô tô Ford Motor đã công bố một nhà máy hợp tác với SK Innovation của Hàn Quốc, và Mỹ sẽ giúp các công ty Mỹ và Hàn Quốc bắt kịp với Công ty TNHH Công nghệ Contemporary Amperex của Trung Quốc, công ty đang dẫn đầu ngành công nghiệp pin với khoảng 25% thị phần.
Trung Quốc cũng dẫn đầu về kim loại đất hiếm, cung cấp khoảng 60% sản lượng toàn cầu. Báo cáo kêu gọi Tập đoàn phát triển tài chính quốc tế của Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án mở rộng sản lượng của các nguyên tố này, nhằm hướng tới sự hợp tác nhiều hơn với Úc. Chính quyền Mỹ cũng sẽ tìm kiếm các địa điểm tiềm năng cho các cơ sở sản xuất và chế biến và xem xét việc nới lỏng các quy định trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Nhà Trắng sẽ thành lập một bộ phận công-tư để hỗ trợ đầu ra và đặt mục tiêu đưa ra 50 đến 100 sản phẩm đồng thời xem xét thiết lập các chuỗi cung ứng mới không phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo cũng xác định Ấn Độ là nhà sản xuất dược phẩm chủ chốt và cần thúc đẩy các mối quan hệ đối tác tiềm năng với nước này.
Biden cũng sẽ nhắm vào việc bán phá giá và các hành vi thương mại không công bằng khác và sẽ xem xét liệu có nên mở một cuộc điều tra về sản phẩm nam châm neodymium theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, cho phép Mỹ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm đe dọa an ninh quốc gia hay không. Được biết, nam châm là thành phần quan trọng trong chế tạo động cơ và các thiết bị khác.
Mỹ ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở nước ngoài, đặc biệt là khi tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô và một loạt các doanh nghiệp khác. Báo cáo khuyến nghị chính phủ theo dõi cung và cầu và “cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên bang và khu vực tư nhân” để xác định những rủi ro trong ngắn hạn.
Nhưng chính phủ Mỹ có thể làm được rất ít trong ngắn hạn và những thay đổi trong dài hạn đòi hỏi sự ủng hộ của cơ quan lập pháp. Thượng viện đang cân nhắc tài trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Báo cáo đã thúc giục Quốc hội Mỹ phê duyệt 15 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng sạc EV quốc gia và thông qua luật thành lập một cơ quan thuộc Bộ Thương mại để giám sát chuỗi cung ứng.
Báo cáo cũng kêu gọi quốc hội hành động để ban hành Kế hoạch Việc làm của Mỹ - một đề xuất trị giá 2 nghìn tỷ USD của chính quyền Biden nhằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp của Mỹ. Nhưng Đảng Cộng hòa đã phản đối việc tăng thuế doanh nghiệp để tài trợ cho sáng kiến này và các nỗ lực trong tương lai nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng của Mỹ dựa trên các cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Phan Văn Hòa (theo Nikkei Asia)
Bosch khai trương nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất châu Âu
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao việc nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động, khẳng định việc khai trương nhà máy cho thấy năng lực của Đức với công nghệ cao, sự đổi mới và hướng tới tương lai.
0 comments:
Post a Comment