Vụ tấn công mã độc tống tiền vào JBS USA đã làm tê liệt nhiều cơ sở chế biến thịt trên thế giới, khiến hàng chục ngàn công nhân phải ở nhà.
|
Một cơ sở chế biến thịt của JBS SA. |
Sức mạnh của mã độc tống tiền đã được chứng minh vào tháng trước sau khi hãng nhiên liệu Colonial Pipeline của Mỹ bị tấn công, làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu tại Bờ Đông. Cuối tuần qua, một vụ tấn công khác cũng đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm thế giới và một lần nữa cho thấy mã độc tống tiền là vấn đề an ninh quốc gia, quốc tế vô cùng cấp bách.
JBS SA là công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới, trụ sở tại Brazil, tuyển dụng hơn 250.000 nhân viên toàn cầu. Trong thông báo hôm 31/5, chi nhánh JBS USA cho biết họ là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng có tổ chức, ảnh hưởng đến các máy chủ hỗ trợ hệ thống công nghệ thông tin Bắc Mỹ và Australia. May mắn là sao lưu hệ thống không bị tác động. JBS USA đình chỉ các hệ thống bị ảnh hưởng, thông báo cho nhà chức trách và bắt đầu làm việc với một công ty phản ứng sự cố bên ngoài để khắc phục. Các nhà máy của JBS tại Australia, Mỹ, Canada bị gián đoạn sau khi vụ tấn công được phát hiện hôm 30/5.
Sự cố JBS tạo hiệu ứng đến toàn ngành công nghiệp chế biến thịt, khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa, hàng ngàn công nhân trở về nhà, gia súc gửi trả nông dân sau khi được chuyển tới để giết mổ. Tại Australia, chuỗi cung ứng địa phương bị tác động đáng kể, tuy nhiên các quan chức cho biết có thể kiềm chế tác hại nếu JBS hồi phục hoạt động nhanh chóng.
JBS USA là công ty chế biến thịt bò, thịt lợn, gia cầm lớn thứ hai tại Mỹ. Tất cả nhà máy chế biến thịt bò của hãng đều đóng cửa tính đến ngày 1/6. Theo Trey Malone, trợ lý Giáo sư nông nghiệp tại Đại học bang Michigan, chỉ cần JBS USA đóng cửa một ngày, Mỹ sẽ mất gần 1/4 năng lực chế biến thịt bò, tương đương 20.000 con bò.
JBS không công khai gọi sự cố là tấn công mã độc tống tiền, song người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói JBS đã cung cấp thông tin về một vụ tấn công ransomware cho chính quyền.
Mỹ đang tìm cách đối phó với tấn công mạng của nước ngoài. Nhìn chung, tấn công mã độc tống tiền đều có động cơ tài chính và do tội phạm hình sự đứng sau. Theo nhà phân tích nguy cơ Brett Callow của hãng bảo mật Emsisoft, ransomware là nguy cơ với mọi thứ, từ an ninh quốc gia, an ninh lương thực tới chăm sóc sức khỏe. Nó nên được xem là một trong các vấn đề bảo mật toàn cầu nghiêm trọng nhất. Nếu các chính phủ không nhanh chóng tìm ra và áp dụng chiến lược đối phó hiệu quả, ransomware sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Mã độc tống tiền là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay và leo thang đáng kể từ khi Covid-19 hoành hành. Nhà chức trách khuyến nghị nạn nhân không trả tiền chuộc cho hacker để chúng không còn động lực tấn công, nhưng đây là điều rất khó xảy ra. Doanh nghiệp sẽ bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Jake Williams, một cựu hacker khét tiếng kiêm nhà sáng lập hãng bảo mật Rendition Infosec, cho rằng điều các nhà hành pháp cần làm hiện nay là tích cực phân tích những sàn giao dịch tiền ảo để hacker không thể che đậy hành tung, đổi tiền ảo sang tiền pháp định.
Trong lúc này, tấn công ransomware vào tất cả các ngành và cơ sở hạ tầng trọng yếu không có dấu hiệu dừng lại và gây ra nỗi sợ hãi lớn. Sự cố mới nhất nhằm vào JBS là lời nhắc nhở đanh thép về nguy cơ của mã độc tống tiền, đe dọa đến cả những người dân bình thường, không chỉ nằm trong phạm vi cộng đồng bảo mật. Nó cho thấy các chuỗi cung ứng mong manh như thế nào, dù liên quan tới xăng dầu, thực phẩm hay mặt hàng thiết yếu khác.
Các chuyên gia bảo mật không thể phản kháng đơn lẻ mà cần tới những nhà hoạch định chính sách. Người dân cần chính phủ của họ hành động.
Du Lam (Theo Wired)
Vì sao hãng nhiên liệu Mỹ gục ngã 'dâng tiền' cho tin tặc?
Joseph Blount, CEO hãng nhiên liệu Mỹ Colonial Pipeline, lý giải ông trả 4,4 triệu USD cho tin tặc để nhanh chóng khôi phục hoạt động và vì lợi ích quốc gia.
0 comments:
Post a Comment