Khi bắt tay thực hiện làm buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên y tế, nhóm dự án nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Tại một khu xưởng ở Thạch Thất, Hà Nội. Gần 10 kiến trúc sư và thợ cơ khí hối hả làm việc liên tục gần 4 ngày đêm để hoàn thiện buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, với mục đích giúp các nhân viên y tế đỡ vất vả khi lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày nắng nóng.
Tất cả các khâu từ lên vẽ bản thiết kế đến gia công đều do các thành viên trong nhóm tự thực hiện Thậm chí, vừa làm, các thành viên trong nhóm còn tranh thủ tham khảo ý kiến cộng đồng.
Buồng có chiều dài 1,2 m, rộng 2,4 m và cao 2,65 m, đủ cho bốn nhân viên y tế cùng làm việc.
Không chỉ có tác dụng giúp làm mát, chiếc buồng này còn như một tấm lá chắn bảo vệ các nhân viên y tế khi có hệ thống lọc không khí và khử khuẩn bằng tia UV. Đèn sẽ được chiếu trong vòng 8 phút trước khi các nhân viên y tế vào làm việc.
Chi phí để hoàn thành sản phẩm này vừa là các thành viên trong nhóm ủng hộ, vừa được các đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp như cửa kính, điều hòa, đèn diệt khuẩn…
Anh Khiếu Hữu Nghĩa - đại diện nhóm chia sẻ, khi anh cùng cả nhóm bắt tay vào thực hiện chiếc buồng này, cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Chiếc buồng lấy mẫu xét nghiệm sau khi hoàn thành sẽ được chuyển đến khu cách ly tại Bắc Giang. Sau khi các nhân viên y tế sử dụng và đưa ra các phản hồi, cả nhóm sẽ tiến hành cải tiến thêm các chi tiết cũng như tính năng cho những sản phẩm.
Bên cạnh nhóm anh Nghĩa, trong những ngày qua, một nhóm những người làm thiện nguyện khác là các cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình cũng đang cấp tập triển khai sản xuất các "cabin lấy mẫu thí nghiệm". Đó là các mẫu buồng di động, có thể vận chuyển ở các địa hình khác nhau. Mỗi cabin này sẽ có 2 bác sĩ ngồi lấy mẫu, kích thước dài 1m, rộng 1m, cao 2m, có lắp điều hoà. Do ưu điểm có sẵn vật tư nên các "cabin xét nghiệm" này có thể sản xuất nhanh, giá thành rẻ. Nhóm dự kiến sẽ trao tặng các cabin này cho CDC Hà Nội và tâm dịch Bắc Giang.
Nên làm ở trong cộng đồng
Tại Hàn Quốc, buồng xét nghiệm di động này được lắp đặt vào tháng 3-2020, trông giống một buồng điện thoại công cộng. Mỗi buồng rộng khoảng 1m, cao khoảng 2,5m và nặng 230kg, có một nhân viên y tế làm việc... Ý tưởng này được đánh giá là rất hiệu quả.
Báo chí Hàn Quốc, tờ Korea Herald còn loan tin, buồng xét nghiệm di động này được ứng dụng ở nhiều nơi tại Hàn Quốc và các nước như Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Ý và Philippines.
Trong những ngày nắng nóng đầu tháng 6, trước tình cảnh các bác sĩ, nhân viên y tế phải chống chọi với thời tiết và làm việc quá sức, nhiều người đã liên tưởng tới ý tưởng làm buồng xét nghiệm này ở Việt Nam. Mạng xã hội thậm chí còn chia sẻ mạnh hình ảnh “cabin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19” của Hàn Quốc mà nhân viên y tế lấy mẫu không cần mặc đồ bảo hộ nóng bức khá thoải mái lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Sở dĩ hình ảnh này được nhiều chia sẻ là bởi những ngày nắng gay gắt vừa qua, hình ảnh nhân viên y tế mặc bảo hộ kín mít, kiệt sức do lấy mẫu dưới trời nắng nóng khiến cộng đồng không khỏi xót xa và mong muốn có những giải pháp giúp họ đỡ vất vả.
Sáng 4/6, trao đổi với PV Infonet, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, 'trong thời tiết rất khắc nghiệt như thời gian vừa qua, nhiệt độ ngoài trời đến 39-40 độ C đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhân viên y tế, sinh viên làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Đây là sự quan ngại rất lớn của Bộ phận Thường trực".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết ở Bắc Giang đã lên phương án khắc phục bằng cách lắp các lều dã chiến của quân đội với diện tích 12m2, có 4 cửa sổ, bên trong đặt một cái máy lạnh. 4 nhân viên y tế lấy mẫu vẫn mặc đồ bảo hộ đứng thò tay ra ngoài lấy mẫu.
Đặt trong hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng 'việc làm cabin lấy mẫu chỉ nên làm ở trong cộng đồng. Còn ở những điểm trọng điểm, nếu cần phải lấy mẫu vào buổi trưa, những ngày nắng gắt thì đã có lều dã chiến'.
Thuỳ Chi - Xuân Quý - Ngọc Huyền
0 comments:
Post a Comment