Một người phụ nữ Tây Ban Nha đã bị kết án 6 tháng tù và phải bồi thường số tiền 3.600 Euro vì cài đặt và sử dụng hệ điều hành Windows cũng như phần mềm Microsoft Office lậu.
Theo tờ nhật báo El Mundo, một người phụ nữ sống tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), với danh tính không được tiết lộ, đã bị tòa kết án 6 tháng tù giam và phải bồi thường số tiền 3.600 Euro (hơn 101 triệu đồng) vì đã cài đặt và sử dụng lậu các phần mềm của Microsoft.
Vụ việc được phát hiện từ tháng 11/2017, khi người phụ nữ này đã cài đặt và sử dụng hệ điều hành Windows cũng như phần mềm Microsoft Office không có bản quyền trên 2 trong tổng số 8 máy tính tại văn phòng của người này.
Không rõ bằng cách nào việc vi phạm bản quyền của người phụ nữ bị phát hiện, nhưng tờ báo El Mundo cho biết kể từ năm 2017 cho đến nay, người phụ nữ này đã kháng cáo bản án 2 lần, nhưng tòa án tối cao tại Tây Ban Nha vẫn đưa ra một án phạt nặng cho hành vi sử dụng phần mềm lậu của bị cáo. Án phạt chưa bao gồm số tiền mà người phụ nữ này phải bồi thường cho Microsoft, chính là số tiền mua bản quyền để sử dụng Windows và Office trên 2 máy tính mà cô đã cài đặt lậu.
Năm 2015, Tây Ban Nha đã thông qua luật xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mà không có bản quyền. Tuy nhiên, trường hợp với người phụ nữ kể trên là lần đầu tiên tòa án Tây Ban Nha xét xử một người vì hành vi sử dụng phần mềm lậu. Vụ xét xử này có thể xem là tiền đề cho những án phạt nặng khác trong tương lai vì hành vi tương tự.
Việc sử dụng các phần mềm, nghe nhạc hoặc xem phim ảnh lậu và không có bản quyền là điều khá phổ biến tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, khi giá bản quyền của các phần mềm, video hoặc nhạc là khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Dù những quốc gia này đều có những điều luật và quy định về việc cấm sử dụng phần mềm lậu, nhưng các chế tài và hình thức xử phạt chưa thực sự cứng rắn.
Tuy nhiên, với nhiều quốc gia phát triển, các điều luật xử phạt hành vi sử dụng phần mềm hoặc xem video lậu, không có bản quyền đều rất cứng rắn. Tại một số quốc, các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet có thể phát hiện ra người dùng download phần mềm, phim lậu hoặc xem trực tiếp các trận đấu thể thao từ các nguồn phát vi phạm bản quyền trên Internet… từ đó có thể ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng hoặc thậm chí sẽ có sự can thiệp của cơ quan chức năng để xử phạt hành vi sử dụng phần mềm lậu và vi phạm bản quyền.
Theo Dantri/SoMag
Apple thua cuộc nhà sản xuất 'iPhone ảo' trong vụ kiện bản quyền
Một thẩm phán liên bang ở Florida, Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Apple đối với nhà sản xuất iPhone ảo Corellium.
0 comments:
Post a Comment