Nước, bán dẫn và nông dân ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Sunday, April 11, 2021

Nước, bán dẫn và nông dân

Hạn hán lịch sử, Đài Loan buộc phải đóng cửa một phần hệ thống tưới tiêu nông nghiệp để dành nguồn nước quý giá cho các nhà máy bán dẫn.  

Nước, bán dẫn và nông dân
Đài Loan đóng cửa hệ thống tưới tiêu của 183.000 mẫu đất nông nghiệp trong hạn hán lịch sử.

Đài Loan đang trải qua hạn hán tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ trở lại đây. Trong khi đó, nước này lại là “trái tim” của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nơi tập trung hơn 90% năng lực sản xuất chip tiến tiến nhất. TSMC là công ty gia công chip mạnh nhất thế giới, chuyên cung ứng cho các tên tuổi lớn như Apple, Intel. Không ngoa khi nói rằng, Đài Loan chỉ cần “hắt hơi”, toàn bộ thị trường công nghiệp điện tử, xe hơi… cũng lên cơn sốt nhẹ.

Nước, bán dẫn và nông dân
Mực nước tại hồ chứa Tsengwen gần Tainan thấp ở mức báo động.

Năm nay, hạn hán lịch sử buộc Đài Loan phải tính đến các biện pháp dành nguồn nước quan trọng cho ngành bán dẫn cũng như các hộ gia đình. Chính phủ dùng máy bay, đốt hóa chất để tạo ra đám mây phía trên các hồ chứa. Họ xây dựng nhà máy khử muối nước biển tại Hsinchu, nơi đặt trụ sở TSMC và đường ống kết nối thành phố với phía bắc, nơi có nhiều mưa hơn. Nhà nước ra lệnh các ngành phải tiết kiệm nước. Tại một số địa phương, áp lực nước bị giảm và bắt đầu dừng cấp nước 2 ngày mỗi tuần. Vài hãng như TSMC phải mua hàng xe tải nước từ nơi khác.

Song biện pháp mạnh tay nhất chính là đóng cửa hệ thống tưới tiêu cho 183.000 mẫu đất nông nghiệp. Chính phủ cũng bồi thường cho khoản thu nhập bị mất của nông dân.

Nước, bán dẫn và nông dân
Hồ chứa Baoshan tại Hsinchu. Chính phủ Đài Loan cố gắng tạo mây phía trên hồ chứa để đối phó với khô hạn.

Ngành bán dẫn cần lượng nước khổng lồ để vệ sinh nhà máy và wafer, loại vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp. Khi các nhà cung ứng bán dẫn toàn cầu phải căng mình để đáp ứng nhu cầu điện tử tăng đột biến, bất ổn xoay quanh nguồn nước Đài Loan càng gây lo ngại về sự lệ thuộc của thế giới vào hòn đảo này và đặc biệt là TSMC.

Tuần trước, TSMC tuyên bố đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm tới nhằm bổ sung công suất, củng cố hơn nữa sức mạnh thị trường. Theo công ty, hạn hán chưa ảnh hưởng đến việc sản xuất của họ tại thời điểm này.

Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Giám đốc Cơ quan nguồn nước Đài Loan Wang Yi Feng lên tiếng bảo vệ các chính sách của chính phủ. Ông cho rằng hạn hán đồng nghĩa với mùa màng sẽ tệ hơn dù được cung ứng nước. Hai bên đều thiệt hại nếu dành nước cho nông nghiệp thay vì nhà máy và hộ gia đình.

Khi được hỏi về vấn đề nước của nông dân, người phát ngôn TSMC Nina Kao khẳng định điều quan trọng là mỗi ngành, mỗi công ty đều phải sử dụng nước hiệu quả. TSMC đang tham gia vào dự án cải thiện hiệu quả tưới tiêu.

Nước, bán dẫn và nông dânNước, bán dẫn và nông dân

Hạn hán tại Đài Loan, một trong những khu vực mưa nhiều nhất thế giới, là kết quả của một nghịch lý. Người dân lấy phần lớn nước từ các cơn bão mùa hè, song bão cũng làm trôi đất từ đồi núi xuống các hồ chứa, dần dần khiến lượng nước dự trữ giảm. Lượng mưa còn biến đổi theo năm. Năm ngoái, không có cơn bão nào đổ bộ xuống hòn đảo này trong mùa mưa, lần đầu tiên kể từ năm 1964.

Lần gần nhất Đài Loan đóng hệ thống tưới tiêu quy mô lớn để tiết kiệm nước là năm 2015, xa hơn là năm 2004. Theo Giáo sư You Jiang Yun của Đại học Quốc gia Đài Loan, nếu tình trạng tái diễn trong 2 hay 3 năm nữa, có thể nói Đài Loan chính thức bước vào kỷ nguyên thiếu nước trầm trọng.

Nước, bán dẫn và nông dân
Khi các hồ chứa gần trơ đáy, những công ty như TSMC phải mua xe tải nước từ nơi khác để sử dụng.

Năm 2019, các nhà máy của TSMC ở Hsinchu tiêu thụ khoảng 63.000 tấn nước mỗi ngày, tương đương hơn 10% nguồn cung từ hai hồ dự trữ địa phương. Đồng thời, TSMC tái chế hơn 86% nước sản xuất và tiết kiệm được 3,6 triệu tấn nước so với năm 2018 nhờ tăng cường tái chế và áp dụng biện pháp khác. Dù vậy, nó chưa là gì so với 63 triệu tấn nước mà họ sử dụng trong năm 2019 trên khắp cả nước.

Vấn đề lớn nhất đứng sau cơn “khát” nước của Đài Loan là chính phủ đánh thuế nước quá thấp, theo nhận định của Wang Hsiao Wen, Giáo sư kỹ thuật thủy lực đến từ Đại học Quốc gia Cheng Kung. Nó khuyến khích hành vi lãng phí nước.

Dữ liệu của chính phủ Đài Loan chỉ ra mỗi người dân sử dụng khoảng 75 gallon nước/ngày, trong khi hầu hết người dân Tây Âu tiêu thụ ít hơn, theo World Bank. Tuy nhiên, theo ông Wang Yi Feng, điều chỉnh giá nước sẽ ảnh hưởng lớn tới nhóm người yếu thế trong xã hội. Do đó, nếu điều chỉnh, họ phải cực kỳ thận trọng. Tháng trước, Thủ tướng cho hay chính phủ đang xem xét tăng thuế đối với 1.800 nhà máy dùng nhiều nước nhất.

Nước, bán dẫn và nông dân
Nước, bán dẫn và nông dân
Người nông dân có thêm thú vui đạp xe, trà nước cùng bạn bè.

Khu vực Tây Nam vừa là trung tâm nông nghiệp, vừa là trung tâm công nghiệp đang lên. Các nhà máy chip hiện đại nhất của TSMC đều đặt tại thành phố Tainan. Tại các trang trại gần Tainan, nhiều nông dân cho biết họ có thể sống bằng tiền bồi thường của chính phủ, ít nhất vào lúc này. Họ uống trà với bạn bè và đạp xe thong dong. Dù vậy, họ cũng lo lắng cho tương lai của mình. Dường như công chúng đang nhìn nhận nông nghiệp kém quan trọng hơn so với bán dẫn, dù là trong nước hay quốc tế. Có vẻ đã tới lúc họ phải tìm kiếm công việc khác.

Hsieh Tsai Shan, nông dân 74 tuổi, chia sẻ: “Phân bón ngày càng đắt. Thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy. Làm nông dân thực sự là tệ nhất”. Còn với lão nông Yang Kuei Chen thì “nếu Đài Loan không có bất kỳ ngành công nghiệp nào mà chỉ dựa vào nông nghiệp, tất cả chúng tôi có thể đã chết đói”. Cả hai con trai của ông Yang đều đang làm cho các công ty công nghiệp.

Du Lam (Theo NYT)

Khủng hoảng chip toàn cầu nhìn từ con chip 1 USD

Khủng hoảng chip toàn cầu nhìn từ con chip 1 USD

Để hiểu vì sao ngành bán dẫn 450 tỷ USD rơi vào khủng hoảng, chỉ cần nhìn vào linh kiện trị giá 1 USD – driver màn hình.

0 comments:

Post a Comment