Hơn 500.000 người dùng smartphone Huawei đã tải về ứng dụng nhiễm mã độc Joker mà không hề hay biết.
|
Các nhà nghiên cứu của Doctor Web phát hiện 10 ứng dụng tưởng như vô hại trên AppGallery – chợ ứng dụng chính thức của Huawei – chứa mã kết nối với máy chủ C&C độc hại để tiếp nhận cấu hình và thành phần bổ sung. Những thành phần bổ sung này qua mặt người dùng, tự động đăng ký dịch vụ trả tiền.
Để che mắt chủ nhân điện thoại, chúng đòi quyền truy cập thông báo rồi can thiệp vào mã xác minh gửi qua SMS của dịch vụ trả tiền. Theo các chuyên gia, mã độc sẽ đăng ký tối đa 5 dịch vụ như vậy, dù những kẻ phát triển có thể thay đổi giới hạn bất kỳ lúc nào.
Danh sách các ứng dụng nhiễm độc trải rộng từ bàn phím ảo, chụp ảnh, launcher, nhắn tin đến sticker, game. Hầu hết đều có chung nhà phát triển, đó là Shanxi Kuailaipai Network Technology. Tổng cộng, 10 ứng dụng được hơn 538.000 người dùng Huawei tải xuống.
Doctor Web đã báo cáo cho Huawei và công ty gỡ bỏ chúng khỏi AppGallery. Tuy nhiên, những người trót tải về vẫn phải tiến hành xóa thủ công trên thiết bị. Dưới đây là danh sách phần mềm cần gỡ bỏ ngay: Super Keyboard, Happy Colour, Fun Color, New 2021 Keyboard, Camera MX - Photo Video Camera, BeautyPlus Camera, Color RollingIcon, Funney Meme Emoji, Happy Tapping, All-in-One Messenger.
Chuyên gia cho biết những mô-đun mà ứng dụng từ AppGallery độc hại tải về cũng xuất hiện trong các ứng dụng khác trên Google Play. Một khi kích hoạt, chúng liên lạc với máy chủ từ xa để nhận file cấu hình, chứa danh sách tác vụ, website của dịch vụ trả tiền, JavaScript bắt chước thao tác của người dùng.
Mã độc Joker ra đời từ năm 2017, liên tục bị phát hiện trong các ứng dụng trên Google Play Store. Tháng 10/2019, nhà phân tích mã độc Tatyana Shishkova của Kaspersky đăng tweet về hơn 70 ứng dụng nhiễm độc trên chợ Google. Theo Google, họ đã xóa khoảng 1.700 ứng dụng nhiễm mã độc Joker từ năm 2017.
Du Lam(Theo BleepingComputer)
Nhiều nhóm tấn công APT đã khai thác lỗ hổng mới trong Microsoft Exchange
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), 4 lỗ hổng mới nghiêm trọng trong máy chủ thư điện tử Microsoft Exchange dù chưa có mã khai thác công khai trên Internet song có thể nhiều nhóm APT vẫn khai thác được.
0 comments:
Post a Comment