Đây là hệ thống quản lý dữ liệu chung và thống nhất về chương trình OCOP từ trung ương đến địa phương phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận.
Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đưa vào hoạt động
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
|
Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia cũng hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và tra cứu thông tin về sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng. |
Việc xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia hiện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành. Hệ thống chính thức được đưa vào hoạt động theo địa chỉ ocopvietnam.gov.vn.
Là hệ thống quản lý dữ liệu chung và thống nhất về chương trình OCOP từ trung ương đến địa phương, hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và tra cứu thông tin về sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống được xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn dữ liệu hiện đại hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Tài khoản truy cập hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp theo từng tỉnh, thành phố để cập nhật và quản lý dữ liệu theo địa phương.
Vì thế, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các UBND tỉnh, thành phố cần giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh để cập nhật thông tin, đồng thời sử dụng dữ liệu trên hệ thống phục vụ cho công tác quản lý chương trình OCOP và giám sát sản phẩm OCOP của địa phương.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản
Với các đơn vị đã ký kết hợp tác cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), việc hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia chính thức vận hành sẽ hỗ trợ họ phối hợp cùng địa phương đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò.
|
Ngay từ khi ra đời, sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò của các doanh nghiệp bưu chính đã định hướng tập trung phân phối đặc sản vùng miền, nhất là sản phẩm OCOP. |
Với Postmart của Vietnam Post, từ năm 2019 đến nay, sàn thương mại điện tử này đã và đang tập trung phát huy thế mạnh, định hướng trở thành một sàn chuyên biệt về đặc sản vùng miền, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Việc phát triển mạnh các sản phẩm OCOP là mục tiêu dài hạn mà Postmart hướng tới.
Theo thống kê, kết thúc năm 2020, tổng sản lượng các sản phẩm đặc sản nói chung chiếm đến 2/3 sản lượng đơn hàng phát sinh trên sàn Postmart, trong đó có đến 65% là các đơn hàng sản phẩm OCOP.
Tính đến đầu năm 2021, tổng số lượng các nhà cung cấp tham gia giao dịch trên sàn đã lên tới con số gần 1.500, trong đó số lượng nhà cung cấp OCOP chiếm đến 30%, tương đương gần 7.000 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn để tiếp cận với khách hàng. Đặc biệt, mỗi Bưu điện tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều kế hoạch nhằm phát triển và gia tăng số lượng đồng thời cả “người bán OCOP” và “người dùng OCOP”.
Tương tự, sàn Vỏ Sò của Viettel Post ngay từ khi ra đời hồi tháng 7/2019 đã tự nhận sứ mệnh kết nối, hỗ trợ nông dân các vùng miền đưa nông sản đặc sản lên sàn, nâng cao giá trị.
Tiếp đó, trong năm 2020, sau khi ký kết hợp tác chiến lược với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Vỏ Sò đã đưa các sản phẩm OCOP lên sàn. Tính đến nay, sàn Vỏ Sò đã đưa được gần 1.000/1.500 sản phẩm theo danh sách OCOP 2020 lên sàn, đạt doanh thu mỗi tháng trung bình 12,6 tỷ đồng.
Tháng 3 vừa qua, số lượng sản phẩm OCOP cả nước đã nâng lên 4.400 sản phẩm. Sàn Vỏ Sò đặt mục tiêu trong quý II/2021 sẽ hoàn thành đưa 100% các sản phẩm OCOP theo danh sách mới lên sàn.
Bên cạnh đó, Vỏ Sò cũng đang lên kế hoạch để phối hợp cùng Sở TT&TT, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ... tại các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử nhằm từng bước góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
M.T
Thêm 33 nhà cung cấp nông sản trên 2 sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính
Trong 10 ngày đầu tháng 4, hai sàn thương mại điện tử của Vietnam Post và Viettel Post đã ghi nhận hơn 2.600 đơn nông sản và có thêm 33 nhà cung cấp sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền mở mới gian hàng.
0 comments:
Post a Comment