Hai đồng sáng lập Grab đã biến giải thưởng 10.000 USD khi còn đi học thành một ‘siêu ứng dụng’ đáng giá 40 tỷ USD.
Khoảng 15 năm trước, Hooi Ling Tan là chuyên gia phân tích của hãng tư vấn McKinsey. Cô luôn sợ bắt taxi tại Kuala Lumpur sau mỗi đêm làm việc muộn nhưng không có nhiều lựa chọn. Thủ đô của Malaysia nổi tiếng với một trong các hệ thống taxi tệ nhất thế giới. Nếu tự lái xe, cô cũng không có cảm giác an toàn vì e ngại có thể ngủ gật trên vô lăng.
Vì vậy, cô tự tạo ra một hệ thống theo dõi GPS thủ công với mẹ của mình. Đó chính là mỗi khi lên xe, cô sẽ nhắn tin về cho mẹ, nêu thông tin chi tiết về biển số, tên tài xế, giấy phép hoạt động của taxi. Khi đến một tòa nhà nào đó, cô cũng nhắn về để mẹ biết cô sắp về đến nơi hay chưa.
“Mỗi đêm, bà ấy đều ngủ trên ghế bành chờ tôi trở về”, đồng sáng lập Grab chia sẻ trên Bloomberg TV.
Grab, startup gọi xe mà Hooi Ling cùng thành lập với Anthony Tan, sẽ được định giá gần 40 tỷ USD sau thương vụ SPAC lớn nhất lịch sử.
Công ty vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thông qua sáp nhập với Altimeter Growth của Altimeter Capital. Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận được 4 tỷ USD đầu tư tư nhân vào vốn công cộng (PIPE). Các nhà đầu tư PIPE bao gồm BlackRock, Fidelity, T. Rowe Price Group và Morgan Stanley. Ngoài ra, startup cũng có thêm 4,5 tỷ USD tiền mặt để đầu tư vào tăng trưởng người dùng và dịch vụ tương lai.
Sau khi lên sàn chứng khoán, Grab tiếp tục tập trung vào Đông Nam Á thay vì mở rộng tại Mỹ vì Hooi Ling tin rằng họ mới chỉ chạm tới bề nổi của thị trường này.
|
Đồng sáng lập Grab Anthony Tan (trái) và Hooi Ling Tan. (Ảnh: Grab) |
10.000 USD đầu tiên
Công ty từng được ví như “Uber của Đông Nam Á” này ra đời gần thập kỷ trước dưới dạng nền tảng gọi xe. Tuy nhiên, nó nhanh chóng chuyển thành một “siêu ứng dụng”, cung cấp nhiều dịch vụ trên một nền tảng duy nhất.
Hooi Ling Tan và Anthony Tan gặp nhau lần đầu tại trường Harvard. Hooi Ling sinh trưởng trong gia đình trung lưu điển hình. Bố của cô là kỹ sư dân sự, mẹ là người môi giới chứng khoán. Trong khi đó, Anthony lại là cậu ấm của một trong các gia đình giàu có nhất Malaysia. Anh là con trai CEO Tan Chong Motor, nhà phân phối xe hơi hàng đầu trong nước.
Cả hai ngồi cạnh nhau trong lớp học “Kinh doanh tại đáy Kim tự tháp”. Họ viết kế hoạch kinh doanh cho ứng dụng di động kết nối tài xế taxi với hành khách tại Malaysia như một phần của lớp học. Sau đó, kế hoạch được nộp cho cuộc thi của trường và giành giải Nhì cùng tiền thưởng 10.000 USD. Nguyên nhân họ không giật giải Nhất, theo Hooi Ling, là giám khảo nhận thấy Malaysia là thị trường quá nhỏ.
Họ cầm số tiền này cùng một khoản đầu tư ban đầu từ mẹ của Anthony để chính thức ra mắt MyTeksi tháng 6/2012.
Tương tự hầu hết các câu chuyện khởi nghiệp khác, Anthony mô tả công ty của mình khởi đầu chậm chạp. Để có khách hàng, anh mang theo chiếc bàn gấp đến trạm xăng địa phương mỗi buổi sớm và mời tài xế taxi “nasi lemak” (món ăn sáng của người Malaysia) để xin sự chú ý.
|
CEO Uber Dara Khosrowshahi. (Ảnh: Riccardo Savi/Getty Images) |
Cuộc gặp bí mật với CEO Uber
6 năm sau, startup non trẻ quyết định đàm phán mua lại tài sản của Uber tại Đông Nam Á. Uber từng cố cạnh tranh với Grab tại 8 thị trường trong khu vực, bao gồm Singapore, Thái Lan và Indonesia. Công ty Mỹ đã đổ vào đây 700 triệu USD.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, Anthony Tan tả lại cuộc gặp bí mật tại San Francisco với tân CEO Uber Dara Khosrowshahi. Ông cho biết: “Chúng tôi không gặp nhau ở văn phòng và tránh truyền thông. Chỉ có ông ấy và tôi trong một phòng riêng và bắt đầu gây dựng lòng tin theo cách ấy”.
Suốt cuộc đàm phá, Khosrowshahi đặt câu hỏi: “Nhìn này, tiếp tục trận chiến đường phố hết từ thành phố này sang thành phố khác có nghĩa lý gì không”?
Đến tháng 3/2018, thương vụ giữa hai bên hoàn tất. Uber rút khỏi Đông Nam Á với 27,5% cổ phần trong Grab và Khosrowshahi tham gia Ban giám đốc. Cả hai đều cho rằng đây là kết cục tốt nhất. Hiện tại, Uber nắm khoảng 16% cổ phần Grab.
Vài năm gần đây, Grab chuyển mình thành siêu ứng dụng trong khu vực, dịch vụ của họ trải rộng từ gọi xe đến giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính tại 428 thành phố ở 8 quốc gia.
Jixun Foo, đối tác quản lý của GGV Capital – đơn vị dẫn đầu vòng gọi vốn Series B 15 triệu USD của Grab năm 2014, nhận định Grab nằm trong số ít doanh nghiệp có thể vượt qua sự đa dạng của nhiều nước, học hỏi từ nhu cầu khách hàng tại nhiều khu vực khác nhau để tạo ra một siêu ứng dụng tiện lợi.
Grab có sự hậu thuẫn của nhiều cái tên quyền lực như SoftBank, Toyota, Tiger Global Management. Lần gần nhất, Grab được định giá khoảng 16 tỷ USD sau khi huy động tổng cộng hơn 10 tỷ USD từ nhà đầu tư.
Ngoài phá kỷ lục sáp nhập SPAC, Grab dự kiến còn là công ty Đông Nam Á IPO lớn nhất trên đất Mỹ. Như một phần trong thỏa thuận, Altimeter sẽ quyên góp 10% cổ phiếu cho quỹ GrabForFood mới ra đời, cung cấp hỗ trợ tài chính và giáo dục cho cộng đồng yếu thế trong khu vực.
Du Lam (Theo Insider)
Grab tiếp tục tập trung vào Đông Nam Á hậu IPO tại Mỹ
Đồng sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan cho biết công ty vẫn tập trung vào thị trường Đông Nam Á sau khi niêm yết tại Mỹ.
0 comments:
Post a Comment