Từng bị coi là cơn sốt ảo, thế nhưng thực tế giá Bitcoin vẫn đang tăng theo từng năm. Thị trường “tiền điện tử” ngày càng cho thấy sức ảnh hưởng so với các kênh đầu tư truyền thống.
Ngày 22/5/2010, lập trình viên Laszlo Hanyecz đổi 10.000 BTC của mình để lấy 2 chiếc Pizza. Đây được xem là lần đầu tiên đồng “tiền điện tử” Bitcoin được sử dụng như một công cụ thanh toán.
Lúc đó, số Bitcoin có giá trị chỉ 41 USD. Laszlo Hanyecz hẳn sẽ ôm đầu tiếc nuối khi biết rằng mình đã đánh đổi 580 triệu USD chỉ để lấy một bữa ăn trong phút chốc. Không chỉ có Laszlo Hanyecz, rất nhiều người từng nắm giữ lượng lớn Bitcoin trong tay sẽ có chung cảm xúc đó.
Giá trị của Bitcoin biến đổi từ năm 2010-2020.
Bitcoin và người bí ẩn Satoshi Nakatomo
Bitcoin và ý tưởng về công nghệ Blockchain lần đầu được thảo luận vào năm 2008.
Hệ thống Blockchain do lập trình viên bí ẩn Satoshi Nakatomi sáng tạo ra giúp người dùng gửi Bitcoin từ nơi này đến nơi khác mà không thông qua bất kỳ máy chủ trung gian nào. Cả mạng lưới sẽ đóng vai trò trung gian để xác nhận giao dịch và đảm bảo không bên nào có thể lừa đảo.
Khác với các loại tiền tệ do ngân hàng phát hành, Bitcoin không thể bị kiểm duyệt, có thể thực hiện giao dịch bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi đâu, miễn là có kết nối Internet.
Nhờ đó, Bitcoin trở nên hấp dẫn với những người muốn thực hiện các giao dịch chuyển khoản quốc tế, đặc biệt là khi không muốn tiết lộ danh tính.
Lúc mới ra đời, giá trị của Bitcoin là tùy ý. Các giao dịch đầu tiên được thực hiện giữa những người dùng Internet trên các diễn đàn.
Lần đầu giá đồng “tiền điện tử” này cán mốc 1 USD là tháng 2/2011. Từ đó đến nay, giá trị của Bitcoin cứ thế tăng lên theo từng năm. Đến nay, mức giá kỷ lục của Bitcoin được ghi nhận là 61.833 USD.
Tính từ mức đáy 5.000 USD ở thời điểm tháng 3/2020, giá Bitcoin đã tăng tới 1.200%, vượt xa tất cả các kênh đầu tư tài chính khác như vàng hay chứng khoán.
Biểu đồ giá Bitcoin tính theo đơn vị USD.
Tại sao Bitcoin giá cao ngất?
Giá trị thực của Bitcoin là câu hỏi luôn làm đau đầu giới phân tích. Sau Bitcoin, nhiều đồng “tiền điện tử” khác đã ra đời với nhiều tính năng vượt trội. Tuy vậy, Bitcoin vẫn được xem là ông vua của thế giới tiền kỹ thuật số.
Bitcoin sở hữu một cộng đồng rất lớn. Điều làm trở nên khác biệt nằm ở chính khả năng lưu trữ giá trị của đồng tiền này.
Lưu trữ giá trị là thuật ngữ dùng để mô tả đặc tính ít bị mất giá. Để được coi là kho lưu trữ giá trị, loại tài sản đó phải có giá trị ổn định hoặc tăng lên theo thời gian.
Bitcoin được xem là một loại vàng kỹ thuật số và trở thành một vật lưu trữ giá trị.
Do độ khan hiếm, từ trước đến nay vàng, bạc và các kim loại quý vẫn được xem là những vật lưu trữ giá trị. Trong khi các loại tiền tệ đang lưu hành thường không được đánh giá cao về khả năng này, bởi 2 chữ “lạm phát”.
Còn Bitcoin có nguồn cung hữu hạn, nhưng không phải tất cả đều đang lưu hành. Theo sách trắng của Satoshi Nakatomo, chỉ có tổng cộng 21 triệu Bitcoin.
Cách duy nhất để tạo ra các đồng Bitcoin mới là thông qua một cơ chế đặc biệt được biết đến dưới thuật ngữ “đào”. Tính đến nay, đã có 18,7 triệu Bitcoin được “đào” ra, chiếm 90% tổng lượng Bitcoin trên thế giới.
Khả năng khai thác Bitcoin sẽ giảm dần theo thời gian. Các “thợ đào” chỉ mất 10 năm để tạo ra 90% lượng Bitcoin, nhưng họ sẽ mất 130 năm để khai thác 10% số Bitcoin còn lại. Mỗi năm, chỉ có một lượng rất nhỏ đồng Bitcoin mới được cung cấp ra thị trường.
Chính bởi sự khan hiếm, Bitcoin được mệnh danh là vàng kỹ thuật số. Nhiều người coi đồng “tiền ảo” này như một kênh lưu giữ giá trị. Đây là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người có nhu cầu sở hữu Bitcoin.
Bitcoin: Vàng hay bong bóng?
Với tốc độ tăng giá phi mã hàng nghìn %, “bong bóng” là cụm từ thường xuyên được nhắc tới bên cạnh Bitcoin. Nhiều người cho rằng, giá Bitcoin không phản ánh đúng giá trị của đồng tiền này trong thực tế.
Nhìn về lịch sử, cơn sốt Bitcoin khiến người ta liên tưởng đến hội chứng hoa Tulip hay bong bóng Uất kim hương khi mới được nhập khẩu vào Hà Lan.
Những bông hoa Tulip cũng từng tạo ra một cơn sốt giá khủng khiếp tại Hà Lan vào thế kỷ 17.
Năm 1637, mỗi củ hoa Tulip có giá tương đương 10 năm thu nhập của một người thợ thủ công lành nghề. Đó cũng là lúc mà thị trường này bắt đầu đổ sụp.
Hội chứng hoa Tulip được xem là bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử xã hội loài người.
Phe không có niềm tin vào Bitcoin cho rằng, số phận của đồng tiền này rồi cũng sẽ như những bông hoa Tulip. Ở chiều ngược lại, phe ủng hộ Bitcoin tin đây sẽ là loại tài sản có giá trị như vàng.
Nhiều người cho rằng giá Bitcoin đang bị thổi phồng giống hội chứng hoa Tulip
Dù từng bị xem là “trò lừa gạt vĩ đại”, giá Bitcoin vẫn không ngừng phá đỉnh và tăng theo từng năm. Bitcoin đang ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các loại tài sản hàng đầu theo giá trị vốn hóa.
Với tốc độ tăng giá như hiện nay, tổng vốn hóa của Bitcoin (1.076 nghìn tỷ) sắp vượt qua bạc (1.364 nghìn tỷ) để cạnh tranh về giá trị vốn hóa với cổ phiếu của Alphabet, Amazon và Microsoft.
Ở năm 2017, cơn sốt Bitcoin nổi lên với sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đến nay, thị trường này đã tăng trưởng vững chắc hơn nhiều. Đó là nhờ sự gia của các nhà đầu tư tổ chức.
Quỹ quản lý đầu tư tiền điện tử Grayscale hiện đang nắm trong tay 643.801 Bitcoin, tương đương 3% tổng lưu hành của đồng tiền này. Lần gầy đây nhất, “gã khổng lồ” này đã mua 3.544 Bitcoin với giá bình quân 33.300 USD. Grayscale không phải là quỹ đầu tư duy nhất làm điều đó. Đây là cơ sở để nhiều người tin rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng lên.
Biểu đồ về giá (đường màu đen) và lượng Bitcoin trên các sàn giao dịch (đường màu cam). Giá Bitcoin tăng lên theo thời gian trong khi lượng Bitcoin trên sàn đang giảm đi. Điều này cho thấy ngày càng nhiều người cất giữ Bitcoin như một loại tài sản thay vì đưa lên sàn để bán.
Đầu tư Bitcoin đúng cách
Tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là lý do các nhà đầu tư nên cân nhắc khi sở hữu “tiền ảo” Bitcoin.
Nếu xem Bitcoin như một loại tài sản, pháp luật Việt Nam không cho phép nhưng cũng không cấm kinh doanh mặt hàng này. Do vậy, vẫn có một bộ phận các nhà đầu tư tin tưởng và kiếm được tiền từ Bitcoin bất chấp các rủi ro tiềm ẩn.
Bitcoin là một xu hướng không thể ngăn cản. Trong “cơn sốt” đó, điều mà các nhà đầu tư mới cần làm là phải xác định được tâm thế cho mình khi tham gia thị trường.
Khác với các thị trường khác, giá Bitcoin không bị khống chế biên độ dao động và thời gian giao dịch. Do vậy, đừng vội hoảng hốt nếu giá Bitcoin giảm 5-10%, thay vào đó, hãy coi đây là khoản đầu tư dài hạn. Lịch sử cho thấy, dù biến động dữ dội, giá Bitcoin vẫn không ngừng tịnh tiến theo chiều hướng đi lên.
Nếu chưa từng giao dịch tiền điện tử, hãy bắt đầu với con số nhỏ (50 - 100 USD cho mỗi giao dịch) để làm quen với giao diện sàn điện tử cùng sự biến động của thị trường.
Đây là một khoản đầu tư mạo hiểm, chỉ nên bỏ vào đó một phần vốn của mình.
Với các tay mơ, hãy giữ vững tâm lý của một nhà đầu cơ thay vì chạy theo trào lưu margin (giao dịch ký quỹ) hay “long, shot” (hợp đồng tương lai). Bên cạnh đó, tỷ lệ R:R (Rick:Reward - Rủi ro:Lợi nhuận) nhỏ hơn 1:2 là điều mà người đầu tư nên lưu tâm.
Không ai chắc chắn về tương lai của Bitcoin. Bong bóng “tiền ảo” có thể nổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chỉ cần là một nhà đầu tư kỷ luật và có nguyên tắc, tỷ lệ rủi ro khi đầu tư vào Bitcoin chắc chắn sẽ giảm xuống. Thậm chí, nếu may mắn và khôn ngoan, bạn có thể là một trong các triệu phú mới nhờ “cơn sốt” tiền ảo.
Trọng Đạt
0 comments:
Post a Comment