Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu coi Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế, thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh để ứng dụng công mới thì Việt Nam có nhiều cơ hội.
Vietnamnet xin trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về Cách mạng Công nghiệp 4.0 tháng 11/2020.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiểu theo nghĩa đơn giản là cuộc cách mạng của những công nghệ mới về vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, ... tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cách thức con người sống, làm việc và giao tiếp với nhau.
3 cuộc Cách mạng Công nghiệp trước là thay lao động chân tay. Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là thay lao động trí óc.
3 Cuộc Cách mạng Công nghiệp trước gọi là cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa thì cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 có thể gọi là thông minh hóa.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Nếu ta coi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là công nghệ thì Việt Nam ta ít cơ hội vì chưa đủ khả năng làm chủ các công nghệ nền. Nhưng nếu chúng ta coi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 như là cuộc cách mạng về thể chế, thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh để ứng dụng công mới thì Việt Nam nhiều cơ hội hơn. Thí dụ, công nghệ khám chữa bệnh từ xa đã có sẵn, vấn đề là cơ quan quản lý có ra quyết định về việc sử dụng hay không. Cũng như vậy, công nghệ học online đã sẵn sàng, vấn đề là cơ quan quản lý có ra quyết định về 20% học online và công nhận kết quả như học trực tiếp không.
Chúng ta là nước đi sau, ít gánh nặng của quá khứ, ít gánh nặng cơ sở vật chất của các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước, vì vậy có thể chấp nhận nhanh hơn cái mới, mô hình mới, hạ tầng mới. Thì đây là cơ hội của người đi sau. Đi sau thì lại có thể đi trước.
Với các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì nước nào càng nhiều vấn đề thì càng có nhiều cơ hội phát triển công nghệ. Các nước châu Phi ít ngân hàng, người dân không có thẻ ngân hàng, và vì thế mà Mobile money phát triển mạnh, thay cho thẻ ngân hàng, trong một thời gian rất ngắn đã thanh toán không tiền mặt đến toàn bộ người dân, vì ai cũng có điện thoại, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, điều mà một nước phát triển phải mất cả trăm năm mới phổ cập được thanh toán không tiền mặt.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thực sự là để giúp cho người nghèo. Các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều cơ hội, nhưng Alibaba đã thay đổi điều này, tạo ra nền tảng thương mại để đưa họ tiếp cận với mọi người dân, ra toàn cầu, điều mà chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể làm trước đây. Mobile money có thể giúp bà con vùng biên giới bán được quả cam, nải chuối với giá cao, vì người thành phố sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm sạch. Con cháu chúng ta ở tận biên giới, hải đảo cũng có thể được học người thầy giỏi nhất nước. Nước ta là nước thu nhập trung bình thấp, còn rất nhiều vấn đề cần lời giải đột phá và vì thế mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất phù hợp.
Việt Nam có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số (hiện là gần 60.000, chiến lược Make In Vietnam đặt mục tiêu đến năm 2025 là 100.000 doanh nghiệp công nghệ số), có một số doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh, có cả những doanh nghiệp thành công thương mại nay chuyển sang làm công nghệ, có thể phát triển sản phẩm, có thể mang công nghệ tới mọi tỉnh, mọi xã, có thể thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Không nhiều nước có lợi thế này.
Người Việt Nam rất phù hợp với công nghệ số, rất đa dạng, thông minh, thích ứng nhanh và linh hoạt, có thể may đo công nghệ và sản phẩm phù hợp mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, rất phù hợp với Cách mạng Công nghiệp 4.0 - là cuộc cách mạng về cá thể hóa, có thể sản xuất ra cái áo duy nhất cho một người. Thành công ở Việt Nam thì chúng ta có thể đi ra toàn cầu.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52, xác định 8 nhóm chính sách để Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0:
1 - Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về Cách mạng Công nghiệp 4.0
2 - Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số
3 - Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng số
4 - Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia
5 - Phát triển nguồn nhân lực
6 - Phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên
7 - Hội nhập quốc tế
8 - Thúc đẩy chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
0 comments:
Post a Comment