Grab - be - Gojek giữ thế 'chân kiềng', ứng dụng mới khó chen chân ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Saturday, March 27, 2021

Grab - be - Gojek giữ thế 'chân kiềng', ứng dụng mới khó chen chân

28/03/2021  08:56  GMT+7

Grab, Gojek và be đang giữ “thế chân kiềng” ở thị trường gọi xe Việt Nam. Điều này khiến cho các ứng dụng mới của Việt Nam khó có thể chen chân, nhất là khi mảng gọi xe không còn là miếng bánh hấp dẫn.  

Grab - be - Gojek giữ thế 'chân kiềng', ứng dụng mới khó chen chân
Grab - be - Gojek đang chia nhau miếng bánh ở thị trường gọi xe Việt Nam

Một ứng dụng gọi xe đang rục rịch ra mắt thị trường Việt Nam. Từ trước Tết Nguyên đán, ứng dụng gọi xe này đã bắt đầu đăng thông tin tuyển tài xế rầm rộ ở nhiều hội, nhóm các tài xế công nghệ nhằm thu hút họ tham gia. Tuy nhiên, các thông tin đăng tải dường như không được nhiều người quan tâm.

Điều này khác hẳn với một vài năm trước, khi một ứng dụng gọi xe rục rịch ra mắt thị trường, ngay lập tức sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng tài xế và cả khách hàng. Người dùng hiện nay dường như không còn nhu cầu cài một ứng dụng gọi xe khác trên máy.

Năm 2020, viApp - một ứng dụng gọi xe do đội ngũ Việt Nam phát triển ra mắt và đặt nhiều kì vọng vào thị trường. Ở thời điểm giới thiệu ứng dụng, viApp có gần như tất cả các các dịch vụ ô tô (taxi, xe hợp đồng, xe tải) và xe máy. viApp đã tung ra những khuyến mãi rất mạnh tay để thu hút cả tài xế và khách hàng. Đồng thời bắt tay với ví điện tử Momo, cho khách hàng trả tiền qua ví điện tử để có thể tận dụng ngay lượng khách hàng di chuyển không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, cho đến nay, ứng dụng này chưa có hoạt động nào đáng kể. Không chỉ viApp, một ứng dụng gọi xe ra mắt trước đó như GV Taxi cũng ở vào tình trạng tương tự.

Khi các siêu ứng dụng ngày càng trở nên quen thuộc với người dùng Việt, các ứng dụng mới vẫn khó có thể chen chân dù thị trường còn nhiều tiềm năng.

Vài năm trở lại đây, thị trường gọi xe tại Việt Nam đã định hình và gần như nằm trong tay của Grab, be và Gojek Việt Nam. Nhiều ứng dụng gọi xe do các doanh nghiệp Việt phát triển liên tục ra mắt nhưng vẫn khó có thể chen chân vào thị trường khi thế chân kiềng giữa Grab – be – Gojek chưa thể bị phá vỡ.

Các báo cáo nghiên cứu đã được công bố cho thấy, thị trường đặt xe tại Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 16,8% trong giai đoạn 2020 – 2025. Ba ứng dụng đang chia nhau thị phần gồm Grab, be và Gojek Việt Nam. Trong đó, chỉ có be là ứng dụng nội.

Báo cáo ABI Reseach trước đó cho thấy Grab chiếm tới hơn 73% thị phần, be 16% và Gojek (khi đó là GoViet) với 10%. Số còn lại giành cho Fastgo và các ứng dụng khác. Chưa có một con số công bố nào mới cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng, theo dự đoán thị trường gần như không có thay đổi. Thậm chí, thị phần của Grab hiện nay còn có thể tăng lên do Fastgo không còn nhiều hoạt động đáng kể ở mảng gọi xe. Trong khi Gojek cũng chưa triển khai thêm được nhiều mảng dịch vụ khác.

Ngoài 3 ứng dụng nói trên, dù trên thị trường vẫn còn rất nhiều ứng dụng hiển thị: viApp, Fastgo, Aber… nhưng hầu như các ứng dụng này không có các hoạt động, dù đã từng đặt rất nhiều kỳ vọng khi ra mắt.

Thế chân kiềng này khiến cho các ứng dụng mới, nhất là của Việt Nam gần như không có “cửa” cạnh tranh, nếu không có tiềm lực, lớn hậu thuẫn lớn về công nghệ, tài chính để có thể thuyết phục người dùng cài thêm ứng dụng, cũng như chạy đua cùng các đối thủ đi trước.

Điều đáng nói là thị trường gọi xe cũng không còn là miếng bánh hấp dẫn để các hãng xe đốt tiền giành thị phần dù vẫn có tiềm năng tăng trưởng.

Trong khi đó, chiến lược của các hãng gọi xe đang nắm thị phần Việt Nam là mở rộng sang các mảng dịch vụ như giao đồ ăn, giao hàng, dịch vụ mua sắm… Điều này đang được cả Grab, be và Gojek thực hiện khi hệ sinh thái của các ứng dụng này ngày càng được mở rộng và hoàn thiện.

Trên thực tế, các ứng dụng như Grab, Gojek đang phải tìm kiếm tăng trưởng và lợi nhuận từ các mảng dịch vụ khác, nhất là gọi đồ ăn, giao hàng, khi các hoạt động vận tải hành khách (bao gồm cả gọi xe qua ứng dụng) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 suốt từ đầu năm 2020 đến nay.

Ứng dụng gọi xe be cũng liên tục tìm kiếm sự hợp tác để mở rộng dịch vụ và phạm vi hoạt động ra nhiều địa phương.  Số liệu công bố mới nhất từ ứng dụng này cho thấy be  đã được tải xuống 10 triệu thiết bị di động với 100.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành 100 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay.

Duy Vũ

Ứng dụng gọi xe be có “động thái lạ”

Ứng dụng gọi xe be có “động thái lạ”

Ứng dụng be sẽ điều chỉnh giảm giá cước các dịch vụ xe 2 bánh vào giữa tháng 3. Giá cước tối thiểu được điều chỉnh trước tiên tại TP.HCM, rút khoảng cách giá dịch vụ giữa be với các đối thủ.

0 comments:

Post a Comment