Kneron, công ty trí tuệ nhân tạo Mỹ, thử dùng mặt nạ 3D để thanh toán và vượt qua hệ thống nhận diện khuôn mặt tại nhà ga Trung Quốc.
![]() |
Hệ thống nhận diện khuôn mặt sử dụng tại các nhà ga ở Trung Quốc. Ảnh: China Plus. |
Chuyên gia của Kneron, có trụ sở ở California, cho biết đã sử dụng mặt nạ và giao dịch thành công trên dịch vụ AliPay và WeChat tại cửa hàng. Trong thử nghiệm khác, nhóm nghiên cứu đánh lừa hệ thống xác thực danh tính ở sân bay Schiphol (Hà Lan) và các nhà ga ở Trung Quốc, nơi người dùng phải quét khuôn mặt khi qua cửa soát vé.
Theo Fortune, thông tin trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lừa đảo tín dụng, trộm cắp danh tính và khủng bố, trong bối cảnh một số quốc gia đang áp dụng rộng rãi công nghệ nhận diện khuôn mặt như một phương pháp giám sát hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.
Kneron cho biết, mặt nạ 3D do một công ty Nhật Bản chế tạo theo quy trình phức tạp. Kỹ thuật này chưa phổ biến, nhưng có thể được khai thác để đánh cắp danh tính của người giàu và nổi tiếng. "Thử nghiệm cho thấy mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người dùng khi sử dụng hệ thống AI nhận dạng khuôn mặt", Albert Liu, Giám đốc điều hành của Kneron, nói. "Công nghệ hiện nay có thể khắc phục lỗ hổng này, nhưng nhiều công ty chọn 'đường tắt' và không nâng cấp để giảm chi phí đầu tư".
Nghiên cứu của Krenon được công bố đúng lúc xuất hiện nhiều tranh cãi về cách triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt. Đầu tháng này, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ban hành quy định người dùng phải quét khuôn mặt khi đăng ký thuê bao di động mới với các nhà mạng. Kết quả khảo sát trên 6.152 người Trung Quốc cho thấy, 79% lo lắng về nguy cơ rò rỉ dữ liệu khuôn mặt, 50% sợ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo và trộm cắp dữ liệu.
Các chuyên gia Kneron khuyến cáo, công nghệ bảo mật sinh trắc học cũng không an toàn như nhiều người nghĩ. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo có thể dễ dàng tạo ra bản sao dấu vân tay của người khác.
Việt Anh (theo Fortune)
0 comments:
Post a Comment