Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất.
"Công nghệ số có thể tạo nên Big Bang ở lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng hiện nay, báo chí đang đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn, hoặc bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Báo chí và Công nghệ ngày 13/11 ở Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, những kho trí thức và nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. "Chuyển đổi số báo chí cũng cần những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, cloud mà còn có thể phát triển nền tảng (platform), ứng dụng báo chí, nhất là các platform dùng chung cho báo chí", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
![]() |
Tại Diễn đàn Báo chí và Công nghệ ngày 13/11, Bộ Trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số sẽ giúp báo chí thực hiện sứ mạng tốt hơn. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, các kênh quảng cáo số, như của Facebook, Google... đang chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung đang ngày một thu nhỏ lại. Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới. Quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.
"Tốc độ thay đổi công nghệ không có dấu hiệu chậm lại, trí tuệ nhân tạo có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ cá nhân, những cách mới để khám phá câu chuyện, phân phối nội dung hiệu quả hơn. Blockchain mở ra các dịch vụ thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực của mình với làn sóng công nghệ mới, sử dụng AI để gợi ý bài viết theo sở thích, thói quen của độc giả...", ông Phúc nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn An ninh mạng, các cơ quan báo chí truyền thông thường xuyên là đích ngắm của tin tặc. Nhiều báo điện tử tại Việt Nam từng là nạn nhân của những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) quy mô lớn. Không chỉ tấn công mạng, kẻ xấu còn có thể lợi dụng chiêu trò công nghệ để bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh...
Ông Dũng cho biết, các nhóm tấn công thường không trực tiếp nhắm vào hệ thống thông tin, máy chủ... mà khai thác thông qua người dùng cuối. Chúng có thể gửi email có nội dung liên quan tới công việc để dụ người nhận mở đường link chứa mã độc, từ đó leo thang lây nhiễm vào cả hệ thống, gây lộ lọt thông tin ra ngoài.
"Với hàng chục triệu độc giả truy cập, các kênh báo chí sẽ là kênh dễ dàng nhất để tin tặc tấn công nhằm xuyên tạc nội dung, đăng thông tin vi phạm pháp luật, phát tán mã độc nhanh hơn...", Cục trưởng Cục An toàn Thông tin nhấn mạnh. Ông khuyến cáo các cơ quan báo chí cần đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống và tăng cường khả năng tự đảm bảo an toàn thông tin cho các phóng viên, biên tập viên.
0 comments:
Post a Comment