Loa thông minh tạo nên cuộc chiến giữa các 'ông lớn' ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Tuesday, September 24, 2019

Loa thông minh tạo nên cuộc chiến giữa các 'ông lớn'

Trung QuốcÂm thanh thành "bạn" của Zeng Longfei, nhân viên mát-xa 30 tuổi ở ngoại ô Bắc Kinh, sau khi cơn sốt lấy đi thị lực của anh, 20 năm trước.

Smartphone trở thành vật dụng công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống của Zeng Longfei trong nhiều năm qua. Nó giúp anh giao tiếp trên WeChat, mua bán online trên Taobao, thanh toán bằng Alipay, gọi đồ ăn giao đến tận cửa hoặc tìm đường khi đặt chân đến những nơi lạ lẫm. "Tôi bị nghiện và phụ thuộc vào smartphone nên lúc nào cũng giữ nó bên mình, ngay cả khi đi ngủ", Zeng tâm sự. Tuy vậy, vị trí của chiếc điện thoại đang dần bị lung lay trước một vài đối thủ mới, chiếc loa thông minh ở nơi làm việc của Zeng.

"Xiaodu Xiaodu, đóng rèm lại", Zeng ra lệnh khi bước vào phòng. Chiếc rèm dần đóng lại, tạo nên vách ngăn giữa hai giường mát-xa. Zeng lại ra lệnh tiếp: "Xiaodu Xiaodu, chơi nhạc đi". Giai điệu một ca khúc pop tiếng Trung được thể hiện bởi một nam ca sĩ ít người biết tới vang lên trong căn phòng.

Loa thông minh Xiaodu chưa hiểu rõ gu nghe nhạc của Zeng lắm. Anh thích nhạc đồng quê hơn nhạc pop, nhưng hệ thống AI lại cho rằng sự lựa chọn của nó là đủ để giải trí.

"Thi thoảng vì quá bận chơi điện thoại và không có thời tìm nghệ sĩ để lựa bài hát, tôi thường nói luôn để chiếc loa tự chọn nhạc cho mình. Nhờ đó, tôi vừa có thể dùng điện thoại, vừa nghe nhạc. Trải nghiệm rất thú vị", Zeng cho biết.

Ảnh: SCMP.

Ảnh: SCMP.

Cuộc sống của Zeng bắt đầu làm quen với loa thông minh từ năm 2017, khi anh làm việc cho một tỉnh ven biển ở miền đông Trung Quốc. Một đồng nghiệp cũng là nhân viên mát-xa khiếm thị đã mang tới nơi làm việc một chiếc loa thông minh hiệu Xiaomi và khoe với mọi người về tính năng, từ chơi nhạc, đọc tin tức đến trả lời câu hỏi.

Dần dần, việc nói chuyện với loa thông minh trở thành thói quen tiêu khiển của Zeng và các đồng nghiệp. Họ yêu cầu chúng bật tiếng của nhiều loại đồ vật hoặc con thú khác nhau như xe cộ, hổ, sói, sư tử, báo, thậm chí còn cả tiếng phóng đầu đạn hạt nhân. "Vui nhất là lúc kêu nó bật tiếng đánh rắm. Bạn có thể khiến cả căn phòng bật cười chỉ bằng cách bảo loa bật tiếng đó lên", Zeng kể.

Loa thông minh đến nay vẫn được coi là thiết bị mới trên thị trường, dù nó được Amazon ra mắt đầu tiên vào năm 2014, chiếc Echo với giá gần 200 USD (hơn 5 triệu đồng). Năm 2015, hãng JD ra mắt loa thông minh Dingdong nhằm khảo sát tiềm năng thị trường Trung Quốc đối với dòng thiết bị này. Theo tính toán của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint research, năm 2016, JD bán được 100.000 máy. Tuy vậy, 10 tháng sau, hãng cũng chỉ bán được xấp xỉ con số này ở thị trường Trung Quốc.

Bất chấp tình hình ảm đạm của thị trường loa thông minh ở Trung Quốc, ba "ông lớn" gồm Alibaba, Xiaomi và Baidu vẫn quyết định nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này. Cả ba công ty đều giới thiệu thiết bị mới vào nửa cuối năm 2017.

Thị trường loa thông minh lúc này mới dần khởi sắc. Sau bốn tháng ra mắt, loa Tmall Genie X1 của Alibaba bán được một triệu máy trong ngày mua sắm Singles’ Day. Con số này gấp đôi so với lượng hàng thực tế mà họ đang có lúc này. Alibaba đã mạnh tay giảm giá bán thiết bị từ 499 CNY còn 99 CNY (70 USD xuống còn 14 USD hay 1,6 triệu đồng còn 324.000 đồng) để tăng doanh số bán hàng. Theo ước tính, số tiền Alibaba đầu tư cho ngày mua sắm Singles’ Day khi ấy lên tới hàng triệu USD.

"Khách hàng không có động lực mua loa thông minh vì họ không biết mình có thự sự cần nó không", Chen Lijuan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh loa thông minh và nghiên cứu AI của Alibaba, cho biết. Đến hiện tại, Alibaba vẫn để các mặt hàng này với giá thấp để thu hút sự tò mò của người tiêu dùng.

Trước sự thành công chỉ sau một đêm của loa Tmall Genie, các hãng bán loa thông minh ở Trung Quốc nhận ra việc trợ giá có tác dụng với người tiêu dùng. Xiaomi sau đó đã giảm giá bán lẻ của loa thông minh thế hệ hai xuống dưới mức 24 USD (dưới 555.000 đồng) vào tháng 4/2018. Baidu cũng có động thái tương tự. Sau thất bại với mẫu Raven H với giá đắt đỏ 240 USD (hơn 5 triệu đồng), hãng ra mắt loa thông minh Xiaodu với giá chỉ 12,5 USD vào tháng 6/2018.

"Mức độ chấp nhận của người dùng đối với các thiết bị thông minh gia dụng như loa là tương đối thấp, do đó, các hãng phải thu hút khách hàng bằng chính sách trợ giá", Zhang Mengmeng, một nhà phân tích của Counterpoint Research cho biết.

Sau các chiến dịch trợ giá và khuyến mãi, thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng bùng nổ với 21,9 triệu loa thông minh được bán vào năm 2018, trong đó có 19,6 triệu thiết bị tới từ ba nhà sản xuất Alibaba, Xiaomi và Baidu, vượt xa mức dự báo lạc quan nhất trước đó 5 triệu máy trên toàn thế giới do các tên tuổi đứng đầu ngành công nghiệp đưa ra. Ba hãng sản xuất cũng Trung Quốc này cũng lọt top 5 hãng bán loa thông minh chạy nhất toàn cầu 2018.

Năm nay, Baidu đầu tư mạnh tay hơn vào lĩnh vực kinh doanh loa thông minh và chia hàng triệu USD cho các chiến dịch trợ giá, khuyến mãi. Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, tính trong quý II, hãng bán được 4,5 triệu thiết bị, cao hơn nhiều so với con số 200.000 chiếc từ Google, vươn lên vị trí thứ hai về thị phần và doanh số trong thị trường này. Jing Kun, người từng là giám đốc điều hành đứng sau mảng loa thông minh của Baidu, được thăng chức làm chủ tịch hồi tháng 5, ngay sau khi hãng này truất ngôi Alibaba để trở thành nhà cung cấp loa thông minh lớn nhất Trung Quốc.

"Sự cạnh tranh giữa các hãng đang rất quyết liệt", Jason Low, nhà phân tích của Canalys cho biết. Các tập đoàn công nghệ ở Trung Quốc coi lĩnh vực kinh doanh loa thông minh là cửa ngõ tiềm năng giúp thu hút khách hàng tới các thiết bị và dịch vụ khác của họ.

Thời startup loa thông minh mới bùng nổ, cứ một km vuông ở quân Tam Á, Thâm Quyến (Trung Quốc) có 112 nhà cung cấp giải pháp. Thành phố duyên hải nằm ở phía Nam, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi tạo ra hai phần ba sản lượng loa thông minh cho toàn thế giới. Nhưng từ năm 2018, trước sự cạnh tranh của các "ông lớn" Baidu, Alibaba và Xiaomi, các công ty nhỏ dần mất chỗ đứng và bị thị trường "hắt hủi".

Carol Wu, phó chủ tịch của Mobvoi - một starup về phần cứng thông minh ở Bắc Kinh, cho biết việc các hãng lớn trợ giá cho sản phẩm của chính họ tạo nên thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ như của bà. Bên cạnh đó, việc những tập đoàn này bán thiết bị với giá thấp hơn so với chi phí sản xuất thực tế khiến thị trường bị bóp méo và ảnh hưởng tới sự đổi mới công nghệ trong thời gian dài.

"Những startup nhỏ như chúng tôi không thể xoay sở và tham gia vào cuộc chơi trợ giá", bà Wu cho biết. Mặc dù là một trong những nhà cung cấp đầu tiên tung loa thông minh ra thị trường, Mobvoi giờ đã rút chân khỏi thị trường và giờ tập trung vào các thiết bị tuỳ biến để phục vụ doanh nghiệp.

Charles, một người từng làm việc trong lĩnh vực phát triển loa thông minh, cho biết cuộc chiến giữa các "ông lớn" khiến thị trường đầu tư trở nên bất ổn. Tình hình sẽ không cải thiện nếu các nhà cung cấp như Baidu, Alibaba hay Xiaomi tìm được con đường rõ ràng để kiếm tiền từ loa thông minh.

Tuy vậy, những người dùng lại có góc nhìn đơn giản hơn. Khi các tính năng mới lạ dần mất đi, chiếc loa thông minh trở về với đúng bản chất ban đầu của nó, một thiết bị phát âm thanh bình thường. Nhân viên mát-xa khiếm thị Zeng Longfei cho biết anh thường dùng thiết bị này chủ yếu chỉ để nghe nhạc. "Về cơ bản, loa thông minh không quá cần thiết với tôi. Nó không khiến tôi nghiện được", anh nói.

Đức Trí

Related Posts:

0 comments:

Post a Comment