Một số chuyên gia cho rằng không nên áp dụng cơ chế cấp phép, quản lý nội dung video trên Internet như dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang bắt đầu thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới. Trước xu thế chuyển đổi số này, ngày 14/5, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức hội thảo về chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số.
Ông Lê Đức Sảo, Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, cho biết hội thảo được tổ chức để trao đổi những kinh nghiệm, đề xuất chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và nội dung số từ các hiệp hội trong nước và quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả.
Tại hội thảo, ông Konstantin Matthies, chuyên gia kinh tế của Alpha Beta, cho biết các dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) dự kiến sẽ được đầu tư lên đến 10,1 tỷ USD tại châu Á vào năm 2022, tăng 3,7 lần so với năm 2017. Ông cũng nhận định, nếu kết hợp những lợi thế vốn có, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất và môi trường hỗ trợ, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất nội dung số của khu vực.
![]() |
Dịch vụ video theo yêu cầu đang nở rộ tại châu Á. Ảnh: CNBC. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng công nghiệp nội dung số có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT, trong đó có VOD, về cơ bản khác với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, do đó cách thức quản lý nhà nước đối với nhóm OTT cũng nên có sự khác biệt.
"Chính phủ nên xem xét và quản lý loại hình dịch vụ VOD nói riêng và OTT nói chung dưới một khung pháp lý mới, thay vì gộp chung với quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống", ông Đông nói.
Trong khi đó, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, cho biết các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia đều không yêu cầu nhà cung cấp các dịch vụ nội dung OTT phải được cấp phép. Các chuyên gia cho rằng nên xây dựng một "cơ chế gọn nhẹ" để quản lý các dịch vụ OTT.
0 comments:
Post a Comment