Công nghệ Blockchain từ nông trại đến bàn ăn ~ TRƯƠNG CÔNG THẮNG

Tuesday, January 8, 2019

Công nghệ Blockchain từ nông trại đến bàn ăn

Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm mang tới lợi thế cạnh tranh cho nông nghiệp Việt trong giai đoạn 4.0. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2016, Việt Nam có khoảng 65% người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay.

Thực tế, việc áp dụng công nghệ Blokchain để truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu được coi là yêu cầu bắt buộc của những chuỗi cung ứng toàn cầu như Walmart, Auchan, Carefour...

Theo Tiến sĩ Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, đồng sáng lập, chủ tịch Te-food International, nhiều nông sản của nổi tiếng của Việt Nam như khoai tây, cà rốt, hồng, dâu tây, hành tây và nhiều loại rau củ khác... đang bị sản phẩm ngoại kém chất lượng giả mạo.

Những sản phẩm thịt heo được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng nhờ công nghệ Blockchain. Ảnh: Te-food.

Những sản phẩm thịt heo được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng nhờ công nghệ Blockchain. Ảnh: Te-food.

Thị trường Việt cũng là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Nhiều sản phẩm thịt heo, gà, bò giá rẻ nhập khẩu khiến nhà nông Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, công nghệ Blockchain giúp minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tạo điều kiện bảo vệ thị trường trong nước, giúp người Việt Nam phân biệt được sản phẩm Việt Nam để ưu tiên sử dụng.

"Hiện nay, khi người tiêu dùng cả nước lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm năng của việc ứng dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc là rất lớn", ông Trung nhận định.

Những ưu điểm của công nghệ Blockchain 

Theo TS. Đào Hà Trung, công nghệ Blockchain có ưu điểm là minh bạch thông tin, ghi nhận sự kiện theo "thời gian thực". Ví dụ, các bên tham gia chuỗi cung ứng sẽ nắm được sản phẩm từ quốc gia nào, nông trại nào, nhà nông cho động vật ăn gì và khi nào, tiêm thuốc gì, giết mổ ở đâu, cán bộ thú y nào cho xuất trại và cho bán thịt...

Dữ liệu khi đã đưa vào hệ thống Blockchain không thể thay đổi, không thể kéo lùi ngày khai báo tiêm chủng, phun thuốc để xuất bán cho kịp chuyến hàng.

Công nghệ Blockchain có thể thay thế các loại giấy tờ, không cần đóng dấu, ký tên... Các thông tin nằm trên hệ thống đám mây, ai cũng có thể kiểm soát thông tin qua thiết bị di động kết nối 3G hay Wifi.

Nhà chức trách khi nhận thấy sản phẩm không an toàn sẽ phát hiện cả chuỗi trong vòng hai giây thay vì ba, bốn tháng tìm kiếm, điều tra và thu hồi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng như trước đây. 

Ứng dụng Te-food giúp người dùng dễ dàng nhận diện được nguồn gốc các loại thịt. 

Ứng dụng Te-food được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Ảnh: Te-food.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tự giám sát toàn bộ chu trình hình thành sản phẩm. "Luôn có hàng triệu người có thể kiểm tra, giám sát nên người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn và giảm bớt gian lận", TS. Trung cho hay. 

Những ứng dụng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Te-food International là một trong những công ty đầu tiên ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Te-food mang tới giải pháp truy xuất các sản phẩm thực phẩm tươi sống từ trang trại tới bàn ăn, hỗ trợ người tiêu dùng và chính quyền quản lý an toàn thực phẩm.

Mục tiêu của TS. Đào Hà Trung và đội ngũ cộng sự là đưa sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đi thế giới với chất lượng và giá thành cao hơn, giúp thực phẩm an toàn đến gần hơn với người tiêu dùng nhờ công nghệ thông tin. 

Cụ thể, Te-food áp dụng nhiểu công nghệ thông dụng để tiết kiệm chi phí như QR, di động (mobility), điện toán đám mây và những công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain... 

Theo TS. Đào Hà Trung, nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Te-food đang nghiên cứu để nhận dạng mặt súc vật (như heo, bò) thay vì đeo vòng, đeo thẻ tai RFID nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng có thể theo dõi sự phát triển của súc vật như chiều cao, cân nặng qua hình ảnh.

Đầu năm 2018, Te-food đã áp dụng chuẩn GS1-EPCIS cho các sản phẩm xuất khẩu để phục vụ toàn cầu. Công ty cũng phát triển các thiết bị và hệ thống quản lý chuỗi vận tải lạnh để giảm hư hao khi vận chuyển rau củ quả (hiện nay có thể hao hụt từ 10 - 30%). 

Te-food cũng tiến hành ký kết với Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm áp dụng hệ thống Te-food Blockchain trong quản lý đàn chăn nuôi. "Qua thiết bị di động, cơ quan chức năng có thể biết cả nước hay tỉnh có bao nhiêu con heo, bò, gà, bao nhiêu con nái, bao nhiêu thương phẩm để quản lý cung cầu tốt, tránh tình trạng giải cứu", ông Trung bổ sung. 

Hệ thống truy xuất kiểm soát đàn chăn nuôi từ lúc mới sinh, quá trình tiêm chủng, nguồn thức ăn... đã áp dụng cho gia cầm từ 2017. Tefood đang triển khai khảo sát tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Cà Mau... nhằm đề xuất phương án áp dụng cho các sản phẩm rau củ, trái cây, heo gà, trứng, cá, tôm... 

Với công nghệ của Te-food, cơ quan chức năng có thể quản lý các loại thức ăn và việc tiêm vắcxin phòng bệnh, quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Hệ thống mới cũng kiểm soát truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể nơi hay xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...

Công ty cũng chuẩn bị vận hành hệ thống Te-food Blockchain truy xuất heo từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tới bàn ăn tại nhiều tỉnh trên cả nước. 

Bài học từ thế giới

Te-food đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), GS1, Deloitle... nhằm phát triển các ứng dụng nông nghiệp áp dụng cho các nước đang phát triển. Hiện nay, Te-food đang thực hiện dự án truy xuất bò tại bang Wyoming, Mỹ; gà Halal tại Anh; heo, gà, khoai tây, cà chua tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha; rượu vang tại Hungary; bia tại Canada. 

Công ty hiện có trụ sở tại Đức, Hungary, Việt Nam và đại diện ở 16 quốc gia tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh, Australia, New Zearland... Mới đây, công ty cũng ký kết với tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp. Theo đó, trong 3 năm, Auchan sẽ sử dụng Te-food trên 17 nước mà tập doàn có chuỗi bán lẻ.

Theo ông Trung, Te-food được định hướng là công ty toàn cầu nên mọi hoạt động được nghiên cứu, trao đổi cùng các đối tác lớn như GS1, Deloitte, SGS... phù hợp với tiêu chí kỹ thuật và quy định pháp lý của châu Âu và Mỹ. 

TS. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, đồng sáng lập, chủ tịch Te-food International.

TS. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, đồng sáng lập, chủ tịch Te-food International.

"Để tiếp cận các thị trường khó tính, chúng tôi phải có công nghệ riêng thật sự, giá thành thật cạnh tranh và chấp nhận thay đổi, phát triển liên tục theo yêu cầu khách hàng. Các trải nghiệm và bài học ở Việt Nam cho chúng tôi tự tin để nói với họ rằng chúng tôi có khả năng làm được điều đó", TS Trung khẳng định. 

TS. Đào Hà Trung là một trong 6 diễn giả sẽ xuất hiện trong hội thảo công nghệ "Smart tech for smart living" tổ chức chiều 9/1 tới. Hội thảo nằm trong sự kiện Tech Awards cho VnExpress, sẽ diễn ra tại TP HCM tối 9/1. Độc giả quan tâm có thể mua vé tại đây.

Hà Trương

0 comments:

Post a Comment