Trào lưu thể thao điện tử đang bùng nổ ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Rất nhiều thanh thiếu niên mơ ước được trở thành game thủ chuyên nghiệp để có thể vừa chơi game cả ngày vừa kiếm được nhiều tiền.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc sống và áp lực của các game thủ chuyên nghiệp, mới đây đội thể thao điện tử nổi tiếng ở Trung Quốc là Royal Never Give Up (RNG) đã tổ chức một trại hè huấn luyện. Những người hâm mộ có thể đăng ký tham gia để trải nghiệm một tuần sống và luyện tập như các game thủ chuyên nghiệp.
![]() |
Nhiều thanh thiếu niên hào hứng tham gia trại hè của RNG mà không biết những gì mình sẽ phải đối mặt. |
Tuy nhiên, kết quả báo cáo sau một tuần diễn ra trại hè đã khiến nhiều người bất ngờ. Theo Baijiahao, 30% số người tham gia đã khóc ngay tại chỗ, 80% trở nên cáu gắt và to tiếng với nhau, 99% cảm thấy bị trầm cảm. Những con số này phần nào cho thấy các áp lực và khó khăn mà những game thủ chuyên nghiệp thường xuyên phải đối mặt và trải qua, để có thể trụ vững với nghề.
"Nó không giống với những gì tôi tưởng tượng ban đầu. Có một sự khác biệt rất lớn. Tôi thật sự muốn khóc. Hãy thử đến đây mà xem, công việc này quá khó khăn", một người tham gia bình luận sau khi kết thúc trại hè.
"Tôi thậm chí phải chơi tới 12 tiếng một ngày mà không được nghỉ. Người tôi chưa bao giờ bẩn đến như vậy", một người khác chia sẻ.
Theo lịch hoạt động của trại huấn luyện, những người tham gia phải bắt đầu luyện tập chơi game từ 9h sáng đến 11h30 tối. Ngoài việc ăn uống và ngủ, toàn bộ thời gian trong ngày họ phải tham gia đào tạo và ngồi nghe phân tích, chỉ đạo cùng huấn luyện viên.
![]() |
Nhiều người chơi đã khóc bởi không chịu được áp lực khi thử làm game thủ chuyên nghiệp. |
Nhiều người chơi đã không đủ kiên nhẫn và sức khỏe để có thể bám trụ tới hết 7 ngày. Áp lực về tinh thần và thể chất khiến những người từng lạc quan nhất trước khi tham gia hoạt động cũng phải ngã gục. Tuy nhiên, ban tổ chức cho biết thực tế chương trình đào tạo đã được giảm xuống chỉ bằng 60% so với những gì mà các game thủ chuyên nghiệp phải trải qua.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng Internet, nhiều thanh thiếu niên cho biết họ đã thay đổi ý định muốn theo đuổi con đường làm game thủ chuyên nghiệp của mình. Một số người khác thì cảm thấy phải cảm thông cho các game thủ chuyên nghiệp và hứa sẽ không chỉ trích hay chửi mắng mỗi khi đội mình yêu quý thua trận nữa.
0 comments:
Post a Comment